THỰC HIỆN SỨ VỤ MÔN ĐỒ HÓA

THỰC HIỆN SỨ VỤ MÔN ĐỒ HÓA

II Ti-mô-thê 2:2

Giám mục Tô Văn Út Tổng hợp, 29/10/2023

Trở thành môn đệ của Chúa không chỉ có nghĩa là mỗi người chúng ta theo Chúa Giê-xu một cách cá nhân, mà còn bao gồm việc truyền lại cam kết của chúng ta cho các thế hệ môn đệ tiếp theo. Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Những điều con đã nghe ta dạy trước nhiều nhân chứng, hãy truyền lại cho những người trung tín, để họ có khả năng huấn luyện người khác (II Ti 2:2).

I. Để thực hiện công việc môn đồ hóa, mỗi cá nhân chúng ta trước hết phải là một môn đồ

Điều đầu tiên chúng ta nên lưu ý ở đây là chính Ti-mô-thê đã trở thành môn đồ. Chuyện kể rằng: Trong hành trình truyền giáo thứ hai đến các thị trấn Lít-trơ và Đẹt-bơ, Phao-lô đã gặp Ti-mô-thê, và đã chọn Ti-mô-thê làm “môn đồ”. Sau đó, Ti-mô-thê đi cùng Phao-lô mọi nơi ông đến và học hỏi mọi điều ông dạy. Bản thân Ti-mô-thê là một môn đồ, điều này đặt anh ấy vào vị thế trở thành người đào tạo môn đồ.

Đây là điều Chúa mong muốn nơi mỗi người chúng ta. Trước hết, Chúa muốn chúng ta trở thành môn đồ. Từ “môn đồ” trong Kinh Thánh có nghĩa là “người học việc” hoặc “học trò”. Chúa Giê-xu truyền lệnh cho những người theo Ngài trong Đại mạng lệnh ở Ma-thi-ơ 28:18-20, hãy đi “làm thành MÔN ĐỒ”. Ngài không nói “hãy cải đạo, hoặc hãy đi khiến muôn dân trở thành TÍN ĐỒ”. Chúa ra lệnh cho các môn đệ phải đào tạo “MÔN ĐỒ”. Nói cách khác, họ phải đào tạo những người thực sự theo Chúa để thực hành những điều Chúa Giê-xu dạy. Việc “quyết định” tin Chúa và nói rằng tôi là một “người cải đạo” sang Cơ đốc giáo là một chuyện. Việc trở thành một “môn đệ” để thực hành những gì Chúa Giê-xu đã truyền dạy, lại là một chuyện khác.

Chúng ta cần hiểu rằng chỉ “quyết định” đi theo Chúa, thì không có nghĩa là thực sự đi theo Ngài. Chúa Giê-xu đã từng cảnh báo:  “Tại sao các con gọi Ta là: ‘Chúa, Chúa!’ mà không THỰC HÀNH lời Ta dạy?” (Lu-ca 6:46). Ở đó, Ngài muốn nói rằng chỉ “tuyên xưng” mình là môn đồ thôi thì chưa đủ; chúng ta phải thể hiện điều đó qua cách sống. Một môn đồ thực sự là người TUÂN THỦ những gì Chúa Giê-xu truyền dạy, giống như Ngài đã nói trong Ma-thi-ơ 28:19-20.

Chúa Giê-xu lên án các thầy thông giáo và người Pha-ri-si rằng, họ là kẻ mù dẫn đường cho người mù, để cả hai cuối cùng sẽ rơi xuống hố! Nói cách khác, tôi không thể đào tạo người khác làm môn đồ, nếu bản thân TÔI không phải là môn đồ.

Tôi không thể dạy bất cứ ai về việc cầu nguyện nếu tôi không đích thân cầu nguyện. Tôi không thể hướng dẫn người khác học Kinh Thánh nếu tôi không làm như vậy. Tôi không thể dạy cho người khác biết cách làm chứng và truyền giáo nếu tôi chưa bao giờ chia sẻ Phúc âm. Câu hỏi cơ bản nhất cần đặt ra trước khi chúng ta cố gắng trở thành một người đào tạo môn đồ là: Tôi có đang tự mình thực hành những điều đó không? Nếu tôi muốn trở thành một người đào tạo môn đồ, thì cá nhân tôi phải LÀ một môn đồ. Đó là điều kiện tiên quyết tuyệt đối!

II. Mỗi cá nhân chúng ta đã là môn đồ, thì phải đào tạo môn đồ

Phao-lô nói với Ti-mô-thê: Bởi vì con đã là môn đồ, con đã nghe và học những điều này từ nơi ta, bây giờ ta muốn con đi chia sẻ những điều này với người khác: “Hãy giao phó (truyền lại) những điều này cho những người trung thành.” Phao-lô đang yêu cầu Ti-mô-thê LÀM cho người khác những gì ông đã LÀM cho anh ấy: “hãy giao phó, hãy chuyển giao, hãy để trước họ những giáo lý và thực hành đức tin mà Ti-mô-thê đã học được từ Phao-lô. Vì Ti-mô-thê đã từng là môn đồ, nên Phao-lô muốn Ti-mô-thê cũng phải đào tạo môn đồ.

Đây không phải là một điều răn “mới”. Như chúng ta đã thấy, đây là mệnh lệnh của Chúa Giê-xu ngay từ đầu trong Ma-thi-ơ 28:29, “Hãy đi đào tạo môn đồ… Hãy đi làm thành môn đồ”. Một lần nữa, Chúa Giê-xu không truyền lệnh cho chúng ta phải “cải đạo, làm thành TÍN đồ”. Chúa truyền lệnh cho chúng ta phải đào tạo “MÔN đồ”.

Thật không may, trong nhiều thế hệ, hầu hết các hội thánh đều tập trung vào việc “cải đạo, hoặc làm thành TÍN đồ”. Họ tuyên bố những điều như:
  “Chúng tôi đã cầu nguyện cho 22 người tin Chúa”, hoặc
            “Chúng tôi đã làm báp têm cho 19 người”, hoặc
            “Chúng tôi đã nhận được rất nhiều tờ ‘quyết định’ tin Chúa của rất đông người.”

Những điều này được các hội thánh công nhận và tôn vinh. Và bản thân chúng có thể tốt, nhưng mối quan tâm lớn nhất của chúng ta cần phải chuyển từ việc chúng ta có bao nhiêu “quyết định” tin Chúa, sang việc chúng ta đang đào tạo bao nhiêu MÔN ĐỒ! Mệnh lệnh của Chúa Giê-xu là đào tạo MÔN ĐỒ. Môn đồ không phải là những người vừa mới “cầu nguyện” tin Chúa; mà là những người đang được dạy, để “tuân giữ mọi điều mà Ta đã truyền cho các con” (Ma-thi-ơ 28:19-20). Xin Chúa giúp chúng ta biết LÀM những gì Chúa Giê-xu đã nói và biết “đào tạo môn đồ”.

III. Phương cách để đào tạo môn đồ

Làm thế nào để đào tạo môn đồ? Chúng ta sẽ xem một vài ví dụ trong Kinh thánh:

  1. Gương của Phao-lô và Ti-mô-thê

Phao-lô đang thực hiện công cuộc truyền giáo của mình và tình cờ gặp Ti-mô-thê, ông “kéo anh ấy ra một bên” đem anh ấy theo, và đào tạo anh ấy thành môn đồ. Đây là hình mẫu mà chúng ta có thể làm theo: Tìm một người có khả năng tiếp thu những điều thuộc linh và dành thời gian đặc biệt với họ, đầu tư vào cuộc sống của họ.

  1. Gương của Chúa Giê-xu và nhóm mười hai

Chúa Giê-xu nêu gương về việc đào tạo môn đồ, điều này nói lên rất nhiều điều đối với chúng ta. Chắc chắn là Ngài đã phục vụ đám đông, nhưng Ngài luôn có 12 người mà Ngài dành thời gian đặc biệt ở bên cạnh và dạy những điều mà đám đông chưa sẵn sàng nghe. Ngoài 12 người, Chúa còn có nhóm ba người, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng, những người mà Chúa đã dành thời gian đặc biệt hơn nữa cho họ.

Chúng ta có thể làm những việc tương tự. Khi bắt đầu việc đào tạo môn đồ, hãy tìm một hoặc hai người sẵn sàng phát triển về mặt tâm linh và dành thời gian cho họ, đầu tư vào cuộc sống của họ một cách đặc biệt. Đó là việc đào tạo môn đồ.

  1. Gương của những người khác

Chúng ta có thể theo gương của những người khác để thực hiện nhiều cách khác nhau:

– Môn đồ hóa “một kèm một” cổ điển, trong đó hai người gặp nhau để cầu nguyện, học Kinh thánh và học thuộc lòng các câu gốc.

– Môn đồ hóa “bộ ba (nhóm ba), theo thống kê thì cách này có tỷ lệ thành công cao nhất.

– Đào tạo môn đệ trong một nhóm nhỏ như Chúa Giê-xu đã làm.

IV. Chúng ta phải nhân rộng nhiều môn đồ

Phao-lô nói với Ti-mô-thê phải truyền lại những điều này cho những người trung tín, để họ có khả năng huấn luyện người khác (II Ti 2:2). Nói cách khác, quá trình nhân rộng nhiều môn đồ này tiếp tục diễn ra trong một chuỗi đào tạo môn đồ vô tận. Đó phải là mục tiêu của chúng ta đối với những gì xảy ra trong Giáo hội của chúng ta: Không chỉ là “CỘNG thêm”, mà còn là “NHÂN lên”, như các MÔN ĐỆ ĐÀO TẠO MÔN ĐỆ, cho đến khi chúng ta chạm tới toàn thế giới thông qua công tác môn đồ hóa.

Một tôi tớ Chúa kể chuyện: Tại Thế vận hội 2008, đội tuyển nam Hoa Kỳ đang chạy tiếp sức và đang hướng tới thành tích chạy tuyệt vời, tiến vào vòng tiếp theo và giành huy chương vàng. Nhưng ngay trước chặng cuối của cuộc đua, một trong những vận động viên chạy nước rút đã cố gắng trao dùi cui cho người chạy tiếp theo, nhưng họ đã đánh rơi nó. Và hy vọng giành huy chương vàng của người Mỹ đã chẳng còn nữa. KHÔNG phải vì mỗi người họ đã không chạy một cuộc đua tốt, mà vì họ đã không chuyển dùi cui thành công cho người chạy tiếp theo!

Hình ảnh chạy đua và chuyền gậy cũng là một hình ảnh rất thích hợp về đời sống Cơ-đốc nhân. Sự thành công và thất bại của chúng ta với tư cách là người tin Chúa không chỉ dựa trên cách chúng ta sống cuộc sống của mình; mà còn nhắc nhở rằng chúng ta chưa làm những gì Chúa kêu gọi làm, cho đến khi chúng ta truyền lại những gì Chúa đang làm trong cuộc đời chúng ta cho những người khác, là những người cũng sẽ “chạy đua”.

Hãy tưởng tượng nếu Chúa Giê-xu không đào tạo môn đồ. Chức vụ của Ngài sẽ kết thúc và không còn gì cả sau khi Ngài thăng thiên!

Nếu Phao-lô không đào tạo Ti-mô-thê và nhiều người khác làm môn đồ thì thánh chức vĩ đại của ông đã kết thúc, khi ông bị giết trong tù ở Rô-ma.

Sứ vụ của tôi và của anh chị em cũng vậy: Nếu chúng ta không “truyền dùi cui” cho thế hệ sau, chúng ta đã KHÔNG hoàn thành sứ mệnh mà Chúa đã giao phó cho chúng ta ở đời này.

Đây thực sự là nơi mà chúng ta và nhiều người đang thất bại. Chúng ta không đào tạo người khác để thay thế chúng ta, thì công việc Chúa của chúng ta sẽ kết thúc khi chúng ta nghỉ hưu hay qua đời.

Nếu chúng ta không có mục đích đào tạo môn đồ để truyền lại khả năng lãnh đạo và đức tin cho thế hệ tiếp theo, thì chúng ta đã “đánh rơi dùi cui”, và kết quả là chúng ta đang thua cuộc đua.

Đã đến lúc mỗi tín hữu, mỗi mục sư/truyền đạo, mỗi giáo khu trưởng, mỗi giáo hạt trưởng và Giáo hội trưởng phải tự hỏi: Chúng ta đang làm gì để “truyền dùi cui” cho thế hệ tiếp theo một cách có mục đích? Chúng ta có đang môn đệ hóa, đào tạo họ để họ đào tạo người khác? Chúng ta có thể nhân rộng số môn đệ, để họ có thể đến với thôn làng, thị trấn của chúng ta và toàn thế giới? Điều này sẽ đòi hỏi một số THAY ĐỔI ở nhiều hội thánh của chúng ta.

Những gì chúng ta đạt được trong chức vụ trong suốt cuộc đời, sẽ có thể nhân rộng chức vụ của chúng ta lên đến nhiều lần và tạo ra ảnh hưởng trên toàn thế giới mãi mãi, nếu chúng ta thực hiện công việc đào tạo môn đồ.

______________

 

Tôi còn một phần quan trọng về phương diện thực hành (Cách Thực Hiện Sứ Vụ Môn Đồ Hóa) và chỉ dành cho những người muốn nghe tiếp để thực hành. Để có thể nghe phần này, chúng ta phải cam kết 2 điều:

            – Ăn năn với Chúa về tội thiếu môn đồ hóa hoặc không môn đồ hóa trong những năm tháng qua.

            – Cam kết sẽ luôn Thực Hiện Sứ Vụ Môn Đồ Hóa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *