Tóm tắt Giáo lý

TÓM TẮT GIÁO LÝ

CỦA

GIÁO HỘI TIN LÀNH GIÁM LÝ LIÊN HIỆP VIỆT NAM

Điều I – Đức Chúa Trời

       Chúng ta tin tưởng vào một Đức Chúa Trời chân chính, thánh thiện và hằng sống, Thần Linh Đời Đời, là Đấng Sáng tạo, Chủ tể và Bảo tồn mọi vật hữu hình và vô hình. Ngài có quyền năng, sự khôn ngoan, công bình, thánh thiện và tình yêu thương, cai trị bằng ân điển vì sự lành mạnh và cứu rỗi loài người, để làm sáng danh Ngài. Chúng ta tin rằng chính Đức Chúa Trời duy nhất tự mặc khải trong Ba Ngôi: Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con và Đức Thánh Linh, phân biệt nhưng không phân cách, có bản chất và quyền năng đời đời.

Điều II – Đức Chúa Jêsus Christ

      Chúng ta tin rằng Đức Chúa Jêsus Christ, Đức Chúa Trời đích thực và con người đích thực, trong Ngài thần tánh và nhân tánh hợp nhất hoàn toàn và không thể phân cách được. Ngài là Ngôi Lời trở nên xác thịt, là Con độc sanh của Đức Chúa Cha, sinh bởi Nữ Đồng Trinh Ma-ri do quyền năng của Đức Thánh Linh. Ngài sống cuộc đời làm nhiệm vụ Tôi tớ, chịu thương khó và chết trên thập tự giá. Ngài được chôn, sống lại từ kẻ chết và lên trời ở cùng Cha, từ đó Ngài sẽ trở lại. Ngài là Đấng Cứu chuộc và Trung Bảo đời đời, Đấng cầu thay cho chúng ta, và bởi Ngài, mọi người sẽ được xét đoán.

Điều III – Đức Thánh Linh

      Chúng ta tin rằng Đức Thánh Linh nhiệm xuất từ và là một Ngôi vị cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con. Ngài thuyết phục thế gian về tội lỗi, về sự xưng công nghĩa, và về sự phán xét. Ngài dẫn dắt loài người thông qua sự đáp ứng của đức tin với phúc âm để gia nhập vào Giáo hội. Ngài an ủi, nâng đỡ, thêm sức cho người trung tín và đưa họ vào mọi lẽ thật.

Điều IV – Kinh Thánh

      Chúng ta tin rằng Kinh thánh, Cựu ước và Tân ước, mạc khải Lời Đức Chúa Trời đến mức đầy đủ cho sự cứu rỗi chúng ta. Phải thông qua Đức Thánh Linh, tiếp nhận Kinh thánh để làm nguyên tắc và hướng dẫn đích thực cho đức tin và sự thực hành. Điều gì không được mạc khải trong Kinh thánh hay không được Kinh thánh thiết lập thì không được dùng làm tín điều và cũng không được dạy dỗ như là điều cần thiết cho sự cứu rỗi.

Điều V – Giáo Hội

      Chúng ta tin rằng Giáo hội Cơ-đốc là cộng đồng bao gồm tất cả những tín hữu chân chính dưới sự Tể trị của Đấng Christ. Chúng ta tin Kinh thánh là duy nhất, thánh thiện, có tính cách tông truyền và phổ quát. Đó là sự tương giao cứu chuộc, trong đó những người nhận được ơn kêu gọi thiêng liêng giảng dạy Lời Đức Chúa Trời, và các thánh lễ được cử hành thích đáng theo ý chỉ của chính Đấng Christ. Tuân theo kỷ luật của Đức Thánh Linh, Giáo hội tồn tại để duy trì sự thờ phượng, xây dựng tín hữu và cứu chuộc thế gian.

Điều VI – Thánh Lễ

      Chúng ta tin rằng những Thánh lễ do Đấng Christ ban truyền là dấu hiệu và hứa nguyện về sự tuyên xưng đức tin của Cơ-đốc nhân và về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đó là những phương tiện ân điển bởi đó Đức Chúa Trời hành động một cách vô hình trong chúng ta, thúc giục, thêm sức và củng cố đức tin của chúng ta nơi Ngài. Hai Thánh lễ được Đấng Christ là Chúa chúng ta ban truyền là phép Báp-têm và Tiệc Thánh.

      Chúng ta tin rằng phép Báp-têm có nghĩa là sự bước vào gia đình đức tin, và dấu hiệu của sự ăn năn và tẩy sạch tội lỗi bên trong, tiêu biểu cho sự tái sanh trong Đấng Christ và dấu hiệu của sứ đồ Cơ-đốc.

      Chúng ta tin rằng trẻ con cần có sự chuộc tội của Đấng Christ, và với tư cách là người thừa kế của Nước Đức Chúa Trời, các em là đối tượng được chấp nhận chịu phép báp-têm Cơ-đốc. Con cái của tín hữu, thông qua phép báp-têm, trở nên trách nhiệm đặc biệt của Giáo hội. Các em phải được nuôi dưỡng và hướng dẫn để chấp nhận Đấng Christ cho riêng mình, và bởi sự tuyên xưng đức tin, khẳng định phép báp-têm của mình.

      Chúng ta tin rằng Tiệc Thánh là tượng trưng cho sự cứu chuộc của chúng ta, hồi tưởng sự thương khó và sự chết của Đấng Christ, và là biểu hiện của tình yêu thương và hiệp một mà Cơ-đốc nhân có với Đấng Christ và với nhau. Ai ăn miếng bánh bẻ ra và uống chén ơn phước một cách chính đáng, xứng đáng và với đức tin là dự phần vào thân thể và huyết của Đấng Christ một cách thiêng liêng cho đến lúc Ngài đến.

 Điều VII – Tội Lỗi và Ý Chí Tự Do

       Chúng ta tin rằng con người sa ngã khỏi sự công nghĩa và, vì xa cách khỏi ân điển của Chúa Cứu Thế Giê-su, chúng ta thiếu mất sự thánh thiện và có khuynh hướng tội lỗi. Con người không thể nhìn thấy Nước Đức Chúa Trời nếu không được tái sanh. Nếu không do ân điển thiêng liêng, con người với sức lực của mình không thể làm điều thiện đẹp lòng Đức Chúa Trời và được Ngài chấp nhận. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng con người, được Đức Thánh Linh thúc giục và ban thêm sức, chịu trách nhiệm trong việc tự do thực thi ý chí hướng thiện của mình.

Điều VIII – Sự Hoà Giải Thông Qua Đấng Christ

      Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ để hoà giải con người với chính Ngài. Sự hiến mình nhưng không của Đấng Christ trên thập tự giá là sự hi sinh hoàn toàn và đầy đủ cho tội lỗi của toàn thể thế gian, cứu chuộc con người khỏi mọi tội lỗi, không đòi hỏi phải thoả mãn bất cứ điều kiện nào khác nữa.

Điều IX – Sự Xưng Công Nghĩa và Tái Sanh

      Chúng ta tin rằng chúng ta không bao giờ được kể là công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời thông qua việc làm hay công lao của mình, nhưng những tội nhân ăn năn được xưng công nghĩa hay được kể là công nghĩa trước mặt Đức Chúa Trời chỉ bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta.

      Chúng ta tin rằng tái sanh là sự đổi mới của con người trong sự công nghĩa thông qua Đức Chúa Jêsus Christ, bởi quyền năng của Đức Thánh Linh, nhờ đó chúng ta trở nên những người dự phần vào bản chất thiêng liêng và kinh nghiệm sự mới mẻ của cuộc sống. Bởi sự tái sanh nầy con người được hoà giải cùng Đức Chúa Trời và được ban cho khả năng phục vụ Ngài bằng ý chí và tình cảm.

      Chúng ta tin rằng mặc dù chúng ta đã kinh nghiệm sự tái sanh, nhưng vẫn còn có khả năng xa rời ân điển và phạm tội; và ngay cả trong trường hợp đó, bởi ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể được đổi mới trong sự công nghĩa.

Điều X – Việc Thiện

           Chúng ta tin rằng việc thiện là bông trái tất yếu của đức tin và theo sau sự tái sanh, nhưng việc thiện không có tác dụng cất bỏ mọi tội lỗi, giúp chúng ta tránh khỏi sự đoán phạt thiêng liêng. Chúng ta tin rằng việc thiện, làm vui lòng và được chấp nhận trước mặt Đức Chúa Trời, phát xuất từ đức tin chân chính và sống động, bởi vì qua đó và bởi đó đức tin được minh chứng.

Điều XI – Sự Thánh Hoá và Sự Hoàn Thiện Cơ-Đốc

      Chúng ta tin rằng sự thánh hoá là công việc của ân điển Đức Chúa Trời thông qua Ngôi lời và Thánh Linh, bởi đó những ai đã tái sanh được tẩy sạch tội lỗi trong tư tưởng, lời nói và việc làm, được ban cho khả năng sống phù hợp với ý chỉ của Đức Chúa Trời, và cố gắng đạt đến sự thánh thiện mà nếu không có nó, không ai thấy được Chúa.

      Toàn bộ sự thánh hoá là tình trạng của tình yêu thương hoàn toàn, sự công nghĩa và thánh thiện đích thực mà mỗi tín hữu được tái sanh có thể đạt đến bởi được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, bởi yêu mến Đức Chúa Trời bằng tất cả tấm lòng, linh hồn, ý tưởng và sức lực, và bởi yêu mến người lân cận như mình.

      Thông qua đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ, ân tứ ân điển nầy có thể được nhận lãnh dần dần hay ngay tức thì trong cuộc đời nầy, và phải được mỗi con cái Đức Chúa Trời nhiệt tình tìm cầu.

      Chúng ta tin rằng kinh nghiệm không buông tha chúng ta khỏi sự yếu đuối, dốt nát và lỗi lầm vốn là điểm chung của loài người, cũng không thoát khỏi khả năng phạm tội thêm nữa. Cơ-đốc nhân phải luôn luôn cảnh giác chống lại sự kiêu ngạo thuộc linh và tìm cách thắng hơn mọi sự cám dỗ phạm tội. Người ấy phải đáp ứng hoàn toàn ý chỉ của Đức Chúa Trời để cho tội lỗi mất hết quyền lực trên người; và thế gian, xác thịt, và điều ác đều đặt dưới chân người. Như vậy người cai trị tất cả kẻ thù bằng sự tỉnh thức bởi quyền năng của Đức Thánh Linh.

Điều XII – Sự Phán Xét và Tình Trạng Tương Lai

      Chúng ta tin rằng mọi người đều phải chịu sự phán xét công chính của Đức Chúa Jêsus Christ, ngay bây giờ và vào ngày cuối cùng.  Chúng ta tin sự sống lại của người chết; người công nghĩa sẽ hưởng được sự sống đời đời và người gian ác sẽ bị kết án đời đời.

Điều XIII – Sự Thờ Phượng Chung

           Chúng ta tin rằng sự thờ phượng thiêng liêng là nhiệm vụ và ân huệ cho người cúi đầu khiêm cung, tôn thờ và hiến dâng trước sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Chúng ta tin rằng sự thờ phượng thiêng liêng là chủ yếu trong sinh hoạt của Giáo hội, và sự nhóm họp thờ phượng của dân sự của Đức Chúa Trời là cần thiết cho sự tương giao Cơ-đốc và sự tăng trưởng thuộc linh.

      Chúng ta tin rằng nghi thức thờ phượng chung ở khắp nơi không cần phải giống nhau, nhưng có thể được thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh và nhu cầu của con người. Nghi thức phải được cử hành bằng một thứ ngôn ngữ và hình thức mà mọi người đều có thể hiểu được, phù hợp với Kinh thánh, để xây dựng mọi người, và tuân theo trật tự và Điều lệ của Giáo hội.

 Điều XIV – Ngày Của Chúa

      Chúng ta tin rằng Ngày của Chúa được qui định một cách thiêng liêng dành cho sự thờ phượng riêng và chung, sự nghỉ ngơi khỏi những công việc không cần thiết, và phải tập trung cho sự cải thiện đời sống thuộc linh, sự tương giao Cơ-đốc, và nhóm thờ phượng. Đó là ngày kỷ niệm sự sống lại của Chúa và là biểu tượng của sự nghỉ ngơi đời đời của chúng ta. Điều đó là chủ yếu cho sự phát triển lâu dài của Giáo hội Cơ-đốc, và quan trọng cho phúc lợi của cộng đồng dân sự.

Điều XV – Cơ-Đốc Nhân và Tài Sản

       Chúng ta tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng Sở hữu mọi vật và rằng cá nhân nắm giữ tài sản là hợp pháp và đó là sự uỷ thác thiêng liêng của Đức Chúa Trời. Tài sản riêng phải được dùng vào việc biểu thị tình yêu thương và sự rộng rãi Cơ-đốc, và để ủng hộ sứ mạng của giáo hội trong thế gian. Tất cả mọi hình thức tài sản, dù là thuộc của riêng, công ty hay công cộng , đều phải được xem như sự uỷ thác trông nom chính thức và phải được sử dụng trong tinh thần trách nhiệm vì sự tốt lành cho loài người dưới sự tể trị của Đức Chúa Trời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *