Ý NGHĨA CỦA LỄ LÁ

Ý NGHĨA CỦA LỄ LÁ

Ma-thi-ơ 21:1-11; 21:9

April 2, 2023

Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá. Hôm nay cũng là ngày bắt đầu tuần lễ thương khó của Chúa Cứu Thế. Ngày Lễ Lá mừng cuộc khải hoàn của Chúa Giê-xu, rồi lại cảm thông nỗi thống khổ của Ngài. Chúa Nhật Lễ Lá kết hợp hai khoảnh khắc trái ngược nhau: (1) cuộc chào đón Chúa Giê-xu vào Giê-ru-sa-lem, và (2) thảm kịch Thương khó. Ngày lễ này có những tiếng hô vang “Hô-sa-na”, và những tiếng la ó “Đóng đinh nó vào thập giá”. Chúa Giê-xu biết trước cái chết sẽ đến, nhưng Ngài vẫn bình thản trước mọi biến cố, vì Ngài muốn làm trọn thánh ý của Đức Chúa Cha. Chúa biết những cam go trước mắt, thế nhưng, Ngài vẫn mạnh dạn tiến lên Giê-ru-sa-lem. Chúa biết ở đó bản án đang chờ Ngài, nhưng Chúa phải lên Giê-ru-sa-lem, để thực thi chương trình cứu chuộc của Đức Chúa Cha.

Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá, tôi kính mời ông bà anh chị em nhìn vào Thập Giá của Chúa, để khám phá ra Ý Nghĩa Của Lễ Lá. Ý nghĩa thứ nhất của Lễ Lá:

 I. Lễ Lá là lễ tưởng niệm cuộc vào thành Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-xu, trước khi Ngài chịu khổ và chết

Suốt ba năm vất vả rao truyền tin mừng cứu rỗi, chữa lành nhiều kẻ tật nguyền, thực hiện biết bao phép lạ, hôm nay là ngày Chúa Giê-xu được vinh hiển nhất, được tôn kính nhất, và được trọng vọng nhất. Dân chúng đứng chật hai bên đường, người người vui mừng reo hò. Họ tung hô vạn tuế và không ngừng hô to: “Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao! (Mat 21:9). Lòng sùng mộ và yêu kính của dân chúng bấy giờ, đã khiến họ hành động một cách hết sức đặc biệt. Nhiều người lấy áo mình trải trên đường, người khác bẻ nhánh cây rải trước mặt Chúa. Người vượt lên trước, kẻ chạy theo sau, tung hô Chúa. Số người theo tung hô Ngài, mỗi lúc một thêm đông, đến độ khiến các người Pha-ri-si phải ghen tị.

Chúng ta có thể hình dung ra được GIỌNG NÓI của nhiều người TUNG HÔ Chúa:

– Đó là sự tung hô của những người đã được Chúa tha thứ tội.

– Đó là sự tung hô của những người những người bị bệnh phong cùi nhưng đã được chữa lành.

– Đó là sự tung hô của những quan chức ngành thuế vụ và của những con người tội lỗi.

– Đó là sự tung hô của những tiếng reo vui của những người sống bên lề đường phố.

– Đó là tiếng reo mừng của những người nam và những người nữ đã có được kinh nghiệm về Lòng Xót Thương của Chúa.

– Đó là niềm vui bộc phát của rất nhiều người bị xã hội loại trừ, nhưng được Chúa ban lại cho họ phẩm giá và niềm hy vọng.

Chúa cỡi lừa con để khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem, vì Ngài không muốn làm cho mọi người phải hoảng sợ. Chúa không dùng sức mạnh, quyền lực của kẻ chiến thắng, để khống chế và thu phục lòng người. Chúa không muốn bất cứ ai nhìn Ngài bằng cặp mắt đầy kinh ngạc, hốt hoảng và thán phục. Chúa không muốn bất cứ ai phải bắt buộc theo Ngài. Tất cả những hình ảnh liên quan đến sức mạnh quyền lực, danh vọng và chức quyền đều bị Chúa loại bỏ. Ngài chỉ muốn một mình đơn sơ, ngồi trên lưng một con lừa nhỏ bé, để tiến vào thành. Một hình ảnh nói lên sự thanh bình, đơn sơ, nhẹ nhàng, và tự nhiên. Và đó chính là Chúa Cứu Thế. Đó là Chiên Con của Đức Chúa Trời. Đó là Vua của các vua. Đó là Chúa của các chúa. (Ý nghĩa thứ hai của Lễ Lá:)

II. Lễ Lá là ngày lễ, để tung hô Chúa Giê-xu là Vua

Chúa Giê-xu cỡi lừa con, khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem. Chúa muốn nói với mọi người rằng, Ngài xứng đáng với tất cả mọi lời chúc tụng. Ngài chính là Vua. Ngài là Vua chiến thắng. Nhưng trên hết, Ngài là một vị Vua nhân từ. Chúa là Vua thái bình. Ngài là Vua của tâm hồn mọi người. Chúa thương yêu tất cả. Ngài mong mọi người hãy đến với Ngài, để học theo Ngài, vì Ngài “hiền lành và khiêm nhường”. Và vì thế, Chúa đã cỡi lừa con, mà không cỡi ngựa chiến. Ðây là lần đầu tiên trong những năm hành chức vụ của mình, Chúa Giê-xu đồng ý để cho dân chúng, tung hô vạn tuế Ngài là Vua: “Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!” (Mat 21:9).

Thưa hội thánh, vị Vua của vũ trụ này, thay vì chọn con đường quyền lực, thì đã chọn con đường phục vụ. Ngài là Chúa, nhưng mang thân phận của một người đầy tớ, chấp nhận bị ngược đãi, bị nhục mạ và ngay cả cái chết. Mới đây, Ngài vừa được hoan nghênh và tung hô. Giờ đây, Chúa bị nhạo báng và đánh đập, bị xúc phạm, bị khạc nhổ và khinh miệt, phải đội vương miện làm bằng gai. Chúa bị xiềng xích, mặc dù Ngài là Đấng đã đến, để loan báo cho loài người sự giải thoát. Chúa bị giao nộp cho sự căm thù, mặc dù Ngài là Đấng đã đến, để loan báo sứ điệp của tình yêu. Chúa là Đấng sắp chết, mặc dù Ngài là Chúa tể của sự sống.

Chúa Giê-xu yêu thương nhân loại đến cùng. Chúa thương yêu chúng ta đến cùng. Ngài đã vác thập giá của mình, thay cho tất cả thập giá đang đè nặng chúng ta, là những người khóc lóc và đau khổ. Chúa chấp nhận cái chết, hơn là bỏ mặc những ai đang bị bỏ rơi, bị loại trừ, bị bắt bớ, bị kết án, bị xử tử một cách bất công. Chúa Giê-xu đã chấp nhận những cơn đau đớn tột cùng và chấp nhận cái chết, chỉ vì yêu thương loài người chúng ta. Chúa chấp nhận cái chết để tiêu diệt sự chết, và để cho sự sống được mở ra.

Thưa hội thánh, Chúa Giê-xu là Vua. Danh Ngài được chúc tụng trên các tầng trời. Cả nhân loại phải phủ phục dưới chân Ngài. Chúa phán: “Thật như Ta hằng sống, mọi đầu gối sẽ quỳ trước mặt Ta, và mọi lưỡi sẽ ca ngợi Đức Chúa Trời” (Rô 14:11). Tuy nhiên, Chúa đã không muốn làm thế ngay lúc này. Trái lại, Chúa bằng lòng rửa chân cho các môn đệ. Chúa cho phép bị bọn lính hành hạ và chế diễu. Ngài chấp nhận bản án bất công từ Phi-lát. Và nhất là Chúa chấp nhận vác thập giá, bằng lòng chịu đóng đinh, và chịu chết cách sĩ nhục trên đồi Gô-gô-tha. Vậy, giờ này chúng ta phải chúc tụng Chúa, vì Ngài là Vua. Chúng ta phải tung hô Chúa, vì Ngài là Vua. Chúng ta phải ca tụng Chúa, vì Ngài là Vua. Chúng ta phải hô to: “Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!” (Mat 21:9). (Ý nghĩa thứ ba của Lễ Lá:)

III. Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết, sống trên đời là đối mặt với đau khổ

Lễ Lá dẫn đưa chúng ta cùng theo Chúa Giê-xu trên con đường thập tự giá. Theo Chúa không chỉ khi gặp may mắn, thành công, bình an mà còn phải chấp nhận khi bị bỏ rơi, khước từ, đau khổ, thất bại. Theo Chúa không là con đường thuận buồm xuôi gió, hoàn toàn hạnh phúc an lành, mà còn là con đường chọn lựa quyết liệt với những quyến rũ của vật chất, đam mê, hưởng thụ, danh vọng, quyền lực thế gian. Theo Chúa Giê-xu là đi con đường thập tự giá: vừa lên dốc, vừa nhiều ổ gà, và vừa là con đường một chiều. Con đường ấy rất hẹp, chứ không thênh thang theo những trào lưu dễ dãi, giả dối, ích kỷ, hận thù, bạo lực… nên chúng ta cần phải sống từ bỏ, hy sinh, trung thực, yêu thương, và bao dung.

Lễ Lá dẫn đưa chúng ta vào cuộc khổ nạn của Chúa Giê-xu. Lễ Lá chuẩn bị cho chúng ta nhìn ngắm cái chết đau thương của Chúa trên đồi Gô-gô-tha. Khi chấp nhận vác thập giá mình theo Chúa Giê-xu, đó là chúng ta đã chia sẻ gánh nặng của Ngài, noi gương Ngài để chịu khổ. Khi bằng lòng vác thập giá mình theo Chúa Giê-xu, đó là chúng ta vác cây thập tự trong hy vọng. Bởi vì đối với Chúa Giê-xu, đau khổ và chết chóc không dồn con người vào ngõ bí, mà là dẫn đưa đến vinh quang của ngày sống lại.

Hôm nay là ngày Lễ Lá, chúng ta hãy nhớ đến vị Vua của chúng ta đã tiến tới, chịu khổ, và chịu chết thay cho chúng ta. Trong ngày Lễ Lá, chúng ta hãy nhớ đến vị Vua vì yêu thương, đã chịu lấy mọi đau khổ thể xác cũng như tinh thần, thay cho chúng ta. Trong ngày Lễ Lá, chúng ta hãy nhớ đến Vị Vua vì yêu thương, đã chịu chết thay cho chúng ta, và đã mở ra cánh cửa vào chốn vĩnh hằng. Trong ngày Lễ Lá, chúng ta hãy nhớ đến Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất, mà được sự sống đời đời (Giăng 3:16).

Thưa hội thánh, điều gây kinh ngạc nhất cho chúng ta trong ngày Lễ Lá, chính là Chúa Giê-xu đã đạt đến vinh quang, thông qua sự khổ đau. Chúa chiến thắng bằng cách chấp nhận đau khổ và cái chết, những điều mà chúng ta luôn cố gắng trốn tránh, khi tìm kiếm sự thành công. Điều gây kinh ngạc nhất cho chúng ta, đó là: Chúa Giê-xu “vốn có hình của Đức Chúa Trời, nhưng không xem sự bình đẳng với Đức Chúa Trời là điều nên nắm giữ; Ngài đã từ bỏ chính mình, mang lấy hình đầy tớ, và trở nên giống như loài người. Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự (Phi-líp 2:6-8). Điều gây kinh ngạc nhất cho chúng ta, đó là: “… Đức Chúa Trời đã tôn Ngài lên rất cao, và ban cho Ngài danh trên hết mọi danh, để khi nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất đều phải quỳ xuống, và mọi lưỡi đều phải xưng nhận Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa, mà tôn vinh Đức Chúa Trời là Đức Chúa Cha (2:9-11).

Thưa hội thánh, để cứu chuộc chúng ta, Chúa Giê-xu đã được treo lên cây thập tự. Để giải thoát chúng ta, Chúa đã trải qua những nỗi buồn đau đớn nhất của chúng ta. Chúa đã trải qua sự thất bại, mất tất cả, bị người bạn phản bội, thậm chí bị Đức Chúa Trời bỏ rơi. Tình yêu của Chúa đã chạm đến sự khổ đau của chúng ta, là những điều mà chúng ta thấy xấu hổ nhất. Lễ Lá nhắc cho chúng ta biết, sống trên đời là đối mặt với đau khổ. Nhưng Lễ Lá cũng nhắc cho chúng ta nhớ rằng, chúng ta không đơn độc: Chúa đang ở bên cạnh chúng ta trong mọi cơn hoạn nạn. Chúa đang ở với chúng ta trong mọi nỗi sợ hãi.

ĐỂ KẾT LUẬN, tôi nhớ nhiều ngàn năm trước, ông Xa-cha-ri đã bảo Y-sơ-ra-ên hãy sẵn sàng. Ông nói: “Vua của ngươi đang đến với ngươi”. Chúa đã đến với họ và họ không chuẩn bị cho việc Ngài đến. Chỉ một số ít tiếp nhận Ngài, nhưng nói chung, quốc gia Y-sơ-ra-ên đã chối bỏ Vua của họ. Họ đuổi Ngài đi và họ đóng đinh Ngài.

Anh chị em có biết rằng, nhà Vua đang đi qua ngay bây giờ không? Nhà Vua đã đến rồi. Ngài đang ở đây với chúng ta tối nay.

Chúa đang ở đây, để tiếp nhận những ai sẽ đến với Ngài trong đức tin.

Chúa đang ở đây, để khôi phục những người sẽ trở về nhà.

Chúa đang ở đây, để làm mới lại những người mệt mỏi.

Chúa đang ở đây, để ban thưởng cho những ai trung tín.

Chúa đang ở đây, để hồi sinh những người đang khao khát Ngài.

Chúa đang ở đây vì mỗi người chúng ta! Chúa đang ở đây, và chúng ta sẽ làm gì với Ngài? Chúng ta sẽ cúi đầu thờ lạy Ngài, hay chúng ta sẽ đuổi Ngài đi?

Cảm tạ Chúa, vì nhà Vua đang ở đây! Nếu ai muốn tung hô Chúa, xin mời mạnh dạn đứng lên (giơ tay lên cao vẫy vẫy cành cây) và nói theo tôi: “Hô-sa-na con vua Đa-vít! Đáng khen ngợi cho Đấng nhân danh Chúa mà đến! Hô-sa-na ở trên nơi rất cao!” (Mat 21:9). Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *