Ý NGHĨA SỰ ĐAU KHỔ DƯỚI ÁNH SÁNG THÁNH KINH – Bài 8

Bài 8        

ĐAU KHỔ KHÔNG NHẤT THIẾT

Dấu Hiệu Của Sự Đoán Phạt

Nhà chép Phúc âm Giăng kể lại: lần kia Chúa Giê-xu gặp một người mù từ lúc sơ sinh. Các môn đệ hỏi Chúa: “Thưa thầy, vì tội của ai mà anh này từ lúc mới sinh đã mù lòa như thế?  Tội của anh hay của cha mẹ?” (Giăng 9:1-2 BDY). Các môn đệ đã nêu lên thắc mắc về vấn đề đau khổ khi họ nhìn thấy người ăn xin mù lòa này. Có lẽ trước đó các môn đệ đã được nghe những Ra-bi giảng rằng do tội lỗi của cha mẹ mà con cái bị đoán phạt. Còn các nhà tiên tri dạy rằng tội ai làm thì nấy chịu. Với sự hiểu biết đó, các môn đệ cố tìm nguyên nhân khiến người này bị mù: tội của anh hay của cha mẹ?

Tiến sĩ Ironsides cho biết, có nhiều người Do Thái tin rằng ngay lúc còn trong lòng mẹ, trẻ sơ sinh cũng có thể phạm tội qua việc biểu lộ sự bướng bỉnh. Các môn đệ đã được dạy, khổ đau là kết quả của tội lỗi nên họ cố tìm xem ai đã phạm tội. [1]

Câu trả lời của Chúa Giê-xu đã đưa ra sự dạy dỗ đặc biệt về vấn đề đau khổ.

Theo Chúa Giê-xu, thì không phải do tội lỗi của anh, cũng không phải do tội lỗi của cha mẹ anh!  “Chúa đáp:  Không phải vì tội của ai cả!  Thượng Đế muốn dùng anh này để chứng tỏ quyền năng siêu việt của Ngài”  (Giăng 9:3 BDY). Nói cách khác Chúa muốn dạy rằng đau khổ không nhất thiết phải luôn luôn là dấu hiệu về sự đoán phạt của Đức Chúa Trời.

Sự dạy dỗ này đã đem lại niềm an ủi vô biên cho những ai đang sống trong mặc cảm:  Đau khổ là kết quả của sự phạm tội. Dĩ nhiên đau khổ là kết quả của tội lỗi trong thế gian nhưng không phải luôn luôn là như vậy đâu.

Khi hai đất nước giao chiến nhau, quốc gia thua trận không nhất thiết là đã phạm tội nhiều hơn quốc gia thắng trận. Lúc trận bão nổi lên cướp mất tài sản và sinh mạng của một miền, thì không nhất thiết dân chúng trong miền đó phạm tội nhiều hơn dân chúng ở miền khác. Chúa Giê-xu đã xác nhận lẽ thật đó:

Lúc ấy có người thuật cho Chúa Giê-xu chuyện Phi lát giết mấy người Ga-li-lê, khi họ đang dâng sinh tế tại Đền thờ. Chúa Giê-xu hỏi:  Anh em tưởng mấy người đó bị giết vì phạm tội nặng hơn những người Ga-li-lê khác sao?   Không đâu!… (Lu ca 13:2-3a BDY)

Liền sau đó Chúa nhắc đến trường hợp tương tự:

Còn mười tám người bị tháp Si-lưu sập xuống đè chết, có phải vì họ nhiều tội nhất trong thành Giê-ru-sa-lem không?  Không đâu!” (Lu ca 13: 4-5a BDY)

            Vậy nên, Chúa muốn dạy rằng những tai ương dẫn đến khổ đau và sự chết, không nhất thiết là dấu hiệu của sự đoán phát. Người công chính lẫn gian ác đôi lúc cùng chịu một tai ương như nhau. E. Stanley Jones giải thích rằng điều này cứu khỏi thái độ kiêu căng của nhiều người tự cho mình là công chính khi họ nhìn thấy sự khổ đau của người khác .[2]

[1] H.A. Ironside, Addresses on the Gospel of John (Loizeaux Bros, Inc., New York, 1942), p. 398.

[2] E. Stanley Jones, Christ and Human Suffering (Abingdon Press, Chicago, 1933), p.70.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *