Ý NGHĨA SỰ ĐAU KHỔ DƯỚI ÁNH SÁNG THÁNH KINH – Bài 7

Bài 7

ĐỨC TIN

 Câu Trả Lời

Trong các chương trước ta đã cố gắng tìm lời giải đáp cho vấn đề đau khổ. Đau khổ là sự đoán phạt tội lỗi: nó chỉ đúng cho một số trường hợp chớ không đúng cho hết thảy. Đau khổ là sự sửa dạy thương yêu: quan điểm này cũng không đúng cho tất cả. Đau khổ là sự thử nghiệm tạm thời: lập trường này không hoàn toàn đúng vì đau khổ có thể kéo dài suốt cuộc sống. Đau khổ trong đời này để được vinh hiển ở đời sau: cũng không làm thỏa mãn cho mọi người. Đau khổ là phương tiện của sự mặc khải: vẫn chưa phải là câu trả lời cho vấn đề đau khổ.

Thắc mắc về vấn đề đau khổ không phải là điều mới lạ. Một trong những câu hỏi lâu đời nhất của con người là câu hỏi về vấn đề đau khổ. Đời sống là một huyền  nhiệm, nhưng chắc chắn không phải là một huyền nhiệm đen tối. Ta vẫn nhìn thấy ánh sáng giữa đường đời. Ta vẫn có hy vọng trong cuộc sống. Muốn thấu đáo ý nghĩa mọi khía cạnh của cuộc sống là ta muốn làm bằng Đức Chúa Trời. Con người chỉ có thể hiểu một phần của đời sống, tuy nhiên nơi nào sự hiểu biết dừng lại thi đức tin có thể tiếp tục dẫn lối ta đi. Đây không phải là đức tin mù quáng bèn là đức tin đặt nền tảng trên sự hiểu biết bản tính của Đức Chúa Trời.

Hầu hết những nhà phê bình đều đồng ý rằng sách Gióp không phải là một cuốn đơn thuần, bèn là có nhiều phần, nhiều tiết khác nhau. Tuy nhiên các học giả không hoàn toàn thống nhất ý kiến tiết nào được viết trước, cũng như thời gian viết của từng tiết. Kraeling căn cứ vào các niềm tin đã ghi chép trong sách Gióp mà cho rằng nó được viết khoảng năm 400 TCN. Theo Kraeling thì sách Gióp có “bốn sao” (“four stars”): 1) Lòng tin quyết nơi sự công bằng của Đức Chúa Trời. 2) Tầm quan trọng về ý thức tôn giáo trong đời sống cá nhân. 3) Lòng thiết tha tìm kiếm sự công chính. 4)  Phong trào khôn ngoan.[1]

Trước hết ta nhìn thấy lòng tin quyết nơi sự công bằng của Đức Chúa Trời ở sách Gióp. Trong ba thi khúc: chương 3-14; 15-21; 22-27, Gióp và ba bạn của ông, dưới hình thức của cuộc đàm luận tay tư, đã trao đổi với nhau những quan niệm của họ về sự công bằng của Đức Chúa Trời.

Tiên tri A-mốt là một trong các tiên tri đầu tiên, cũng đã làm nổi bật bản tính công bằng của Đức Chúa Trời. A-mốt tin rằng Đức Chúa Trời đoán phạt dân sự vì họ phạm tội, chớ không phải để làm thỏa cơn giận. Nhiều tiên tri khác cũng bày tỏ sứ điệp tương tự. Những sứ điệp tiên khởi này được gửi chung cho toàn dân Y-sơ-ra-ên.

Đến thời đại Giê-rê-mi thì nhà tiên tri nhấn mạnh tới mối liên quan cá nhân. Đây cũng là sao thứ hai mà Kraeling đã viết. Tiên tri Giê-rê-mi rao giảng rằng từng cá nhân có thể nói chuyện thân mật với Đức Chúa Trời. Giê-rê-mi đã theo đường của Ê-xê-chia để nhấn mạnh về tầm quan trọng của cá nhân trong mối quan hệ giữa Đức Chúa Trời và con người.

Tiên tri Ê-xê-chia dạy rằng con người bị đoán phạt là do tội lỗi chính mình chớ không phải do tội lỗi người khác, dù cho người đó là cha mẹ. Quan điểm này được chấp nhận nhanh chóng trong khoảng thời gian đoạn văn đối thoại được viết ra đặt căn bản trên sự đối đáp của Gióp và các bạn hữu mình. Tại đây ta thấy Gióp mong muốn sự công chính–sao thứ ba. Các bạn hữu Gióp tin rằng người công chính sẽ được thạnh vượng. Gióp chẳng những ước muốn cá nhân mình là người công chính mà còn có ước vọng mọi người công nhận mình là người công chính.

Sao thứ tư của Kraeling–Phong trào khôn ngoan–chứng tỏ sự hiện hữu của các quan niệm được ôm ấp trong sách Gióp. Sách Gióp là một kiệt tác văn chương của phong trào khôn ngoan. Nền văn chương khôn ngoan này rất thịnh hành trong khắp phương Đông thời cổ. Ai-cập, trong suốt lịch sử của mình, đã xuất bản nhiều tác phẩm dạy về sự khôn ngoan. Người Y-sơ-ra-ên cũng đã biết đến sự khôn ngoan này. Thánh Kinh bày tỏ rằng không có cách nào ca tụng sự khôn ngoan của Sa-lô-môn cho thích hợp, mà chỉ có thể nói là sự khôn ngoan ấy vượt trên tất cả sự khôn ngoan của các con cái phương Đông và Ai-cập (I Các vua 4:30). Gióp và ba bạn của ông cũng được mệnh danh là những “nhà khôn ngoan nổi tiếng của Ê-đôm” (Giê-rê-mi 49:7).

Ta đã biết bối cảnh của sách Gióp, bây giờ xét qua các đoạn văn đối thoại để tìm lời giải đáp cho câu hỏi:  “Tại sao người công chính bị đau khổ?”

Khi đọc các mẫu đối thoại này ta có thể thấy đời sống Gióp có sự tăng trưởng thuộc linh càng lúc càng cao. Gióp mở đầu cuộc đối thoại bằng những lời than thở: “Phải chi tôi không được sanh ra,” hoặc “Tại sao tôi chẳng chết từ trong tử cung hay tắt thở khi mới lọt lòng.”  Gióp nguyền rủa ngày ông sinh ra và nghĩ rằng ông không chịu nổi hoạn nạn đó. Gióp mong muốn Đức Chúa Trời để ông ở một mình. Gióp nói về sự công chính của ông và không hiểu tại sao người công chính phải chịu đau khổ. Gióp bị thống khổ đủ cách. Ông bị mất hết tài sản và con cái. Còn thân thể thì bị ung nhọt từ bàn chân cho đến đỉnh đầu. Da ông thành đen rồi rơi ra khỏi mình ông. Thịt thì nứt nẻ và chảy mủ. Gióp phải ngồi trên một đống tro và dùng miểng sành gãi mình. Tôi trai tớ gái trong nhà xa lánh ông, gọi mà họ chẳng đến, sai mà họ chẳng đi. Ngay cả vợ ông cũng gớm ghiếc ông vì mùi hôi hám. Trong những ngày đó, Gióp nằm ngủ nhưng không thể yên nghỉ và nóng lòng chờ trời sáng. Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua mà Gióp cũng không có chút hi vọng. Sau đó Gióp nêu lên câu hỏi tại sao một Đức Chúa Trời công chính lại làm cho kẻ công chính đau khổ. Giữa lúc tinh thần bối rối Gióp đã thốt ra những tiếng kêu tuyệt vọng:  “Tôi đã chán sự sống… Tôi sẽ nằm trong bụi đất, Chúa sẽ tìm kiếm tôi nhưng tôi không còn nữa.”

Khi Gióp đáp lời cho Binh Đát, ta thấy đức tin ông đang đi xuống:

Dù có vô tội, tôi cũng không dám đối đáp với Ngài;

Nhưng tôi van xin lòng thương xót của Đấng Phán Xét tôi.

Nếu tôi kêu cầu Ngài và Ngài đáp lời tôi,

Tôi cũng không tin rằng Ngài lắng tai nghe tiếng tôi.

Vì Ngài chà nát tôi trong cơn giông bão,

Vô cớ gia tăng thương tích cho tôi. (9:15-17)

            Sau đó, Gióp ước ao có người đứng phân xử giữa ông và Binh-đát cách công bình:

Chẳng có ai làm người phân xử giữa chúng tôi,

Để đặt tay trên cả hai chúng tôi.

Ước gì Đấng ấy khiến Chúa rút ngọn roi Ngài khỏi con,

Để con không còn kinh khiếp Ngài nữa.

Bấy giờ con sẽ nói mà không sợ Ngài nữa,

Nhưng hiện giờ con chẳng được vậy đâu. (9:33-35)

            Gióp tiếp tục hỏi tại sao Đức Chúa Trời đã dựng nên ông rồi lại muốn hủy diệt ông. Một lần nữa Gióp ao ước Ngài cất khổ đau khỏi ông trước khi ông chết.

Trong lời đáp cho Sô-pha, Gióp cảnh cáo các bạn ông là Đức Chúa Trời sẽ trách phạt họ nếu họ phỉnh gạt Ngài:

Các anh muốn thiên vị Đức Chúa Trời

Và biện bạch cho Ngài sao?

Các anh có vui lòng để Ngài dò xét các anh không?

Hay các anh tưởng có thể lừa gạt Ngài như lừa gạt loài người?

Chắc chắn Ngài sẽ quở trách các anh

Nếu các anh âm thầm thiên vị Ngài. (13:8-10).

            Gióp lại nói về sự vô tội mình. Ông cho rằng Đức Chúa Trời là vị Quan tòa phán quyết cay đắng chống lại ông.

 Vì Chúa ghi lại bao điều cay đắng để kết tội con

Và bắt con gánh chịu tội ác thuở thanh xuân,

Tra chân con vào cùm,

Theo dõi mọi đường lối của con

Và định giới hạn cho mỗi dấu chân con? (13:26-27)

Bây giờ Ngài đếm bước chân con,

Nhưng không còn xem xét các tội lỗi con;

Các vi phạm con được niêm phong trong túi,

Gian ác con được Chúa phủ che.  (14:16-17)

            Gióp cảm thấy rằng Đức Chúa Trời đang nhìn xem, để tìm kiếm lỗi lầm của ông. Đức Chúa Trời bây giờ vừa là Quan tòa vừa là Ủy viên công tố.

Trong sự đáp lời cho Ê-li-pha, Gióp cho các bạn mình là “kẻ an ủi bực bội”. Sau đó Gióp nói về nỗi đau đớn và sự vô tội của mình. Gióp cầu xin sự báo thù huyết, nhưng cùng một lúc ấy ông níu lấy Đức Chúa Trời như là nhân chứng biện hộ cho mình. Quan điểm của ông về Đức Chúa Trời lúc này tương phản với quan điểm ngày trước.

Ngay giờ nầy Đấng làm chứng cho tôi ở trên trời,

Đấng bảo lãnh tôi ở nơi cao.  (16:19)

            Đức tin của Gióp đã cứu ông, và trong giây phút ông nhìn thấu được bên trong bản tính của Đức Chúa Trời. Gióp cúi mặt xuống. Qua cặp mắt đức tin, Gióp thấy Đức Chúa Trời đứng về phía ông.

Còn tôi, tôi biết rằng Đấng Cứu Chuộc(o) tôi vẫn sống,

Đến cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất.

Dù khi da thịt tôi tan nát,

Với xác thân nầy tôi vẫn thấy Đức Chúa Trời;

Chính tôi sẽ thấy Ngài,

Mắt tôi sẽ nhìn ngắm Ngài, chứ không phải người khác;

Lòng tôi mong chờ đến héo hon! (19:25-27)

            Quả thật Gióp nhìn thấy Đức Chúa Trời đứng về phía mình. Gióp nhận biết Đấng dường như chống lại ông đã trở thành Người làm chứng cho ông.

Trong các chương còn lại ta không thấy đức tin Gióp lên cao như ở đây. Gióp tiếp tục lý luận rằng sự xét đoán của Đức Chúa Trời khó giải và thường thấy kẻ ác được may mắn. Tuy nhiên Gióp tôn trọng quyền năng và sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời; đồng thời tỏ ra rằng chỉ một mình Ngài có quyền để giải thích mọi việc. Các vấn nạn về sự đau khổ đã làm tinh thần và đức tin ông đi xuống, nhưng ông chẳng bỏ cuộc mà nói rằng không có câu trả lời. Đức Chúa Trời dường như nghịch lại ông, tuy nhiên qua cặp mắt đức tin ông nhận biết chỉ có Ngài là bạn thật của ông.

Trong Thi-thiên 73, ta thấy tác giả đã gặp phải cùng một nan đề như Gióp. Người nhìn thấy sự hưng thạnh của kẻ ác và suýt chút nữa đã bị mất đức tin nơi Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi ông đi vào Thánh đường thì Chúa mở mắt cho ông thấy và hiểu hết mọi việc.

Khi con suy ngẫm để hiểu rõ điều ấy

Thì con cảm thấy cực nhọc phiền lòng.

Cho đến khi con vào nơi thánh của Đức Chúa Trời,

Thì mới hiểu được sự cuối cùng của chúng.  (73:16-17)

            Thi-thiên này có thể chia làm hai phần:  phần đầu từ câu 1-14, tác giả thú nhận rằng đức tin mình dường như không còn, khi ông nhìn thấy kẻ ác thường không bị phạt. Phần thứ hai từ câu 15-28, tác giả cho thấy sự sai lầm của mình và bày tỏ cách nào người đắc thắng sự sai lầm ấy.

Ở trên trời con có ai trừ ra Chúa?

Còn dưới đất con chẳng ước ao người nào khác hơn Chúa.

Thể xác và tâm hồn con bị tiêu hao,

Nhưng Đức Chúa Trời là sức mạnh của lòng con;

Và là phần của con đến đời đời.  (73:25-26)

            Tác giả Thi-thiên 73, giống như Gióp, đã khám phá Đức Chúa Trời là người bạn tốt nhất. Ngài ban phước cho người có lòng trong sạch. Tác giả cũng nhìn thấy Đức Chúa Trời qua con mắt đức tin.

Nhiều lần ta không hiểu đường lối của Đức Chúa Trời cho chính mình, nhưng qua cặp mắt đức tin ta có thể thông hiểu những việc lớn và khó. Các tác giả của những mẫu đối thoại trong sách Gióp và Thi-thiên 73 đã tìm được lời giải đáp qua đức tin. Quả thật “Đức tin là câu trả lời!”

 

[1] Emil G. Kraeling, The Book of the Ways of God (New York:  Charles Scribner s Sons), 1939.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *