GIẢNG DẠY ĐỂ THAY ĐỔI ĐỜI SỐNG

Giảng Dạy Để Thay Đổi Đời Sống

Truyền-đạo 12:9-11

Là một nhà hiền triết, Giảng Sư còn tiếp tục dạy dỗ kiến thức cho dân chúng. Ông cân nhắc, nghiên cứu, và hoàn chỉnh nhiều câu châm ngôn. Giảng Sư chuyên tâm tìm kiếm lời lẽ êm tai, tuy nhiên lời lẽ ông viết ra luôn luôn ngay thẳng và chân thật.Lời của người khôn ngoan giống như gậy nhọn của người chăn chiên; những câu châm ngôn sưu tập được giống như đinh đóng cột, do Đấng Chăn Chiên truyền ra.

Tại sao chúng ta giảng dạy? Chúng ta giảng dạy để thay đổi những đời sống và giúp cho hội thánh tăng trưởng. Tuy nhiên làm sao chúng ta có thể truyền thông hiệu quả qua sự giảng dạy? Để có thể truyền thông hiệu quả, ta phải biết:

  1. Thành phần thính giả nghe ta giảng

Để có thể hiểu thính giả, ta phải tự hỏi: “Nhu cầu của họ là gì”, “Những tổn thương nào họ đang gặp phải?”, và “Những thích thú của họ là gì?” Thông thường có ba điều thường khiến người ta chú ý:

  • Những điều làm cho chúng ta sợ hãi
  • Những điều lạ lùng làm cho ta kinh ngạc
  • Những điều ta đánh giá cao

“Mục sư chỉ có thể làm cho tín hữu luôn chú ý bằng cách hướng sự chú ý của họ vào điều họ đánh giá cao”.

  1. Khéo léo sử dụng Thánh Kinh

Thánh Kinh là cẩm nang của đời sống nên luôn có câu trả lời cho những nhu cầu của nhân loại. Nhiệm vụ của mục sư là chỉ ra những phần Kinh Thánh thích hợp cho nhu cầu hiện nay của con người. Sứ mạng của chúng ta là rao giảng Lời Đức Chúa Trời. Chúa Giê-xu nêu gương về việc ấy. Những lời Ngài rao giảng: “Chẳng phải Ta tự nói”.

Chúng ta sẽ đọc trong Lu-ca 10:25-37 để thấy sự khéo léo của Chúa Giê-xu khi Ngài dùng Kinh Thánh để nói về nhu cầu của con người. Một thầy dạy luật hỏi Ngài: “Thưa thầy, tôi phải làm gì để được sự sống vĩnh cửu?” Để trả lời, trước tiên Chúa Giê-xu mời người ấy bày tỏ quan điểm về vấn đề đó. Tiếp theo, Chúa Giê-xu nhấn mạnh đến việc làm theo Lời Đức Chúa Trời. Khi thấy người đàn ông này vẫn chưa hiểu, Ngài đã thảo đầy đủ chỉ một từ “người lân cận” trong câu Kinh Thánh. Thay vì định nghĩa từ ấy, Chúa Giê-xu đã dùng minh hoạ giúp thầy dạy luật tự rút ra kết luận đúng.

  1. Làm cho sự giảng dạy trở nên thực tiễn

Áp dụng là một trong những công việc chính yếu trong sự giảng dạy. Sự giảng dạy trở nên thực tiễn là khi giúp cho thính giả biết điều phải làm. Nhiều người đã đáp ứng với sứ điệp phúc âm với câu hỏi: “Vâng, nhưng cách nào?” Nói cách khác, thính giả đồng ý với sứ điệp diễn giả rao giảng, nhưng “cách nào để làm theo sứ điệp đó?”

Phương cách để làm cho sự giảng dạy trở nên thực tiễn là:

  • Khuyến khích thính giả hành động
  • Nói cho họ biết tại sao phải hành động
  • Chỉ cho họ biết cách nào để hành động

Những người Pha-ri-si đã hỏi Chúa Giê-xu một câu hỏi mà họ nghĩ là khó trả lời, đó là, ‘“Thầy nghĩ sao? Bất luận vì lý do nào, người chồng cũng được phép ly dị vợ mình không?” Chúa Giê-xu căn cứ vào Sáng-thế ký 2:24 để trả lời cho họ và kế đó nêu ra sự áp dụng. Sau khi vạch rõ rằng vợ chồng trở nên “một thịt”, Chúa Giê-xu kết luận, “Vậy, loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp” (Ma-thi-ơ 19:3-6).

  1. Giảng dạy theo hướng tích cực

Người ta mệt mỏi vì sống giữa một thế giới không có tình yêu thương. Nhiều người có những vấn đề nghiêm trọng riêng. Khi được trình bày đúng đắn, thông điệp của Thánh Kinh đem lại cho người có lòng thành thật một cái nhìn lạc quan hơn. Vì thế, thay vì nói mãi những vấn đề tiêu cực, ta nên nói về những điều cải thiện hoàn cảnh hoặc truyền đạt lòng tin.

Dĩ nhiên, đời sống có nhiều khía cạnh tiêu cực. Chúng ta không nên nhắm mắt làm ngơ trước những điều này. Nhưng nói nhiều về vấn đề tiêu cực thường không lợi ích gì. Người ta thường nghe nhiều tin tức đau buồn, vì vậy nói về điều không vui có thể khiến họ không muốn nghe. Ngay lúc đầu, hãy cố gắng nói về những lẽ thật thú vị trong Lời Đức Chúa Trời.

  1. Khuyên bảo hữu hiệu

Lời khuyên bảo hữu hiệu giúp cho người khác hiểu rõ sự khẩn cấp để sống theo lời Chúa dạy và được Chúa ban phước. Vì thế, mục sư phải có khả năng “theo đạo lành mà khuyên dỗ” (Tít 1:9). Đôi khi chúng ta phải làm điều này trong nhiều tình huống rất khó khăn. Tuy vậy, chúng ta phải dùng lời Chúa để tiếp tục khuyên bảo và “hãy chăm chỉ. . . khuyên bảo” (I Ti-mô-thê 4:13). Để có thể khuyên bảo hữu hiệu, ta phải:

– Bày tỏ tình yêu thương, lòng kiên nhẫn, và nói một cách tha thiết.

– Dựa vào Lời Đức Chúa Trời

– Cũng cố lời khuyên bằng cách nêu gương tốt.

 

Thực tập:

Bạn hãy đọc lá thư của Phao-lô gửi cho Phi-lê-môn. Hãy tìm những yếu tố này:

– Lời khen ngợi nghiệt thành

– Cơ sở mà Phao-lô dựa vào để xin cho Ô-nê-sim

– Lập luận Phao-lô dùng để thuyết phục Phi-lê-môn về việc nên chấp nhận người nô lệ trở về như thế nào.

– Niềm tin tưởng của Phao-lô là Phi-lê-môn sẽ làm điều đúng.

Bạn hãy trở về nhóm của mình rồi cả nhóm noi theo gương mẫu này để để viết thư gửi cho Phi-lê-môn bằng lời của chính mình.

  1. Diễn đạt dễ hiểu

Thính giả thường quên 90 – 95% những gì họ nghe trong 72 giờ, cho nên bài giảng chỉ đề cập đến một ý chính mà thôi.

  • Tóm tắt bài giảng thành một câu đơn (Ý bài giảng)
  • Tránh dùng thuật ngữ thần học
  • Giữ cho bố cục đơn giản
  • Đưa ra sự áp dụng thích hợp
  • Dùng ngôn ngữ tượng hình

Những từ đơn giản và câu ngắn là công cụ giao tiếp rất hữu hiệu.

Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu là một khuôn mẫu xuất sắc cho một bài giảng mà bất cứ ai dù sống ở đâu cũng đều có thể hiểu đưọc. Những khái niệm bàn đến có thể mới mẻ đối với họ. Thế nhưng họ có thể hiểu dễ dàng về những gì Chúa Giê-xu nói vì Ngài bàn đến những vấn đề mà tất cả chúng ta đều quan tâm như: Làm thế nào để được hạnh phúc, làm sao để cải thiện quan hệ với người khác, làm thế nào để đối phó với lo âu, và làm thế nào để tìm được ý nghĩa trong cuộc sống (Ma-thi-ơ 5-7). Và Ngài diễn đạt ý tưởng bằng ngôn từ đơn giản, dễ hiểu, và tưọng hình.

  1. Chia sẻ kinh nghiệm bản thân
  • Thành thật chia sẻ những trăn trở (thao thức)
  • Thành thật chia sẻ những tiến triển
  • Thành thật chia sẻ những kinh nghiệm đã học đưọc

Nếu ta biết khéo léo dùng kinh nghiệm bản thân thì sự giảng dạy rất có ảnh hưởng cho thính giả.

Người mù được chữa lành đã làm chứng lại phép lạ người đã từng trãi, “Trước tôi đã mù mà bây giờ lại sáng” (Giăng 9:25).

Trong bài giảng từ giả của Giô-suê cho dân Y-sơ-ra-ên, ông kết luận bằng kinh nghiệm bản thân: “Nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Giô-suê 24:15b).

  1. Nhập đề gợi sự chú ý

Nhập đề là phần mở đầu của bài giảng với mục đích khơi dậy sự chú ý của thính giả; thiết lập mối liên hệ giữa phần Thánh Kinh và đề tài của bài giảng; bày tỏ chủ đích của bài giảng; và giới thiệu phần thân đề của bài giảng.

Một trong những bài giảng nổi tiếng nhất là Bài Giảng Trên Núi của Chúa Giê-xu. Nó được mở đầu như thế nào? Theo lời tường thuật của nhà chép Phúc âm Ma-thi-ơ, Chúa Giê-xu bắt đầu bài giảng bằng những lời này:

Phúc cho ai biết tâm linh mình nghèo khổ, vì sẽ hưởng Nước Trời.

Phúc cho người than khóc, vì sẽ được an ủi.

Phúc cho kẻ khiêm nhu, vì sẽ được đất đai.

Phúc cho người khao khát điều công chính vì sẽ được thỏa mãn.

Phúc cho kẻ có lòng thương người, vì sẽ được Chúa thương.

Phúc cho tâm hồn trong sạch, vì sẽ thấy Thượng Đế.

Phúc cho người hòa giải, vì sẽ được gọi là con của Thượng Đế.

Phúc cho ai chịu khủng bố khi làm điều công chính, vì sẽ hưởng Nước Trời.

Phúc cho các con khi bị người ta nhục mạ, khủng bố và vu cáo đủ điều, chỉ vì các con theo Ta. Các con nên hân hoan, mừng rỡ vì sẽ được giải thưởng lớn dành sẵn trên trời. Ngày xưa, các nhà tiên tri cũng từng bị khủng bố, hãm hại như thế (5:3-12).

        Tại sao cách đó gợi sự chú ý? Chỉ bằng vài lời, Chúa Giê-xu công nhận một số vấn đề nghiêm trọng mà thính giả thường gặp phải. Rồi thay vì thảo luận chi tiết về điều đó, Chúa cho thấy những người có vấn đề như thế vẫn có thể hạnh phúc, và Ngài trình bày theo cách người ta muốn nghe thêm.

Điều nên tránh khi nhập đề

Không bao giờ mở đầu bài giảng với một lời xin lỗi. Tại sao? Nếu diễn giả thiếu sự chuẩn bị bài giảng thì không đáng để được tha thứ. Nếu diễn giả đã nhờ ơn Chúa để hết sức chuẩn bị bài giảng thì không có gì phải xin lỗi.

Đừng hứa hẹn nhiều hơn những gì ta có thể giảng.

Cẩn thận trong việc sử dụng chuyện khôi hài. Nếu khéo léo sử dụng chuyện khôi hài, nó sẽ soi sáng cho ý chính. Nhưng nếu không khéo sử dụng, diễn giả sẽ trở thành chuyên viên chọc cười. Thính giả chẳng còn tin cậy diễn giả vì chỉ coi người như là một diễn viên hài. Đó là chưa kể đến việc phản tác dụng khi diễn giả không có tài kể chuyện vui.

Tránh nhập đề quá đột ngột sinh ra cộc lốc. Ví dụ: “Tuần rồi, chúng ta học về gương tổ phụ… kỳ này ta học tiếp…[1]

Tránh quá hấp tấp làm cho thính giả lãnh hội không kịp. Ví dụ giảng về Ma-ri và Ma-thê trong Ma-thi-ơ 10:36-42 mà nhập đề như vầy là quá hấp tấp: “Ở riêng với Chúa là một phước hạnh lớn của Cơ Đốc Nhân”. Hoặc giảng về Đức Tin và Lý Trí trong Hê-bơ-rơ 11, “Đức tin vượt trên lý trí và làm thầy lý trí …”.[2]

Giữ cho phần nhập đề không quá dài. Lời giới thiệu cần bao nhiêu phút? Nó cần dài đủ để thu hút sự chú ý, nêu lên nhu cầu, và giới thiệu ý giải kinh. Nhưng nhập đề không nên quá dài. Một bài giảng 20 phút, phần nhập đề khoảng 3 phút là tốt nhất. Một bài giảng khoảng 30 phút, phần nhập đề 5 phút. Một diễn giả kia đã nhập đề bài giảng quá dài, không còn thì giờ cho phần thân bài và kết luận nên một thính giả phê bình: “Ông ấy đã đặt nền cho một tòa nhà chọc trời, nhưng ông đã xây một chuồng gà trên đó”.[3]

Dưới đây là một số ý kiến của thính giả ta cần để ý:

  • “Vị quản nhiệm thường bắt đầu bằng một câu chuyện dài dòng, với những chi tiết không cần thiết”.
  • “Tôi chán những kiểu nhập đề dong dài”
  • “Đừng dẫn chúng tôi đi lòng vòng”.
  • Vị quản nhiệm thường bắt đầu rất hay, dù ít khi có nối kết chặt chẽ với phần Thánh Kinh làm nền. Rồi sau đó thì nghe chán phè”.

Những điều nên theo khi làm nhập đề

Nhập đề cần được chuẩn bị cẩn thận và trình bày khéo léo. Ít phút đầu của một bài giảng là rất quan trọng cho nên nó đáng cho ta dành hết sức để chuẩn bị và trình bày.

Nhập đề cần phải phù hợp với bài giảng. Mỗi một lời mở đầu cần được đặc biệt phù hợp với bài giảng để hoàn thành mục đích của nó một cách tốt nhất.

Nhập đề cần mang tính đặc trưng. Nó phải được nghiêm nhặt bao gồm tất cả điều gì làm trọn mục đích của nó và phải loại trừ tất cả những gì không nhắm vào mục đích của nó.

Nhập đề cần phải đơn giản. Nó cần phải có một tiến trình tiệm tiến từ những ý tưởng đơn giản trong phần giới thiệu đến những quan niệm phức tạp hơn của phần thân bài. Nếu ta có nhiều tư tưởng, quan niệm quá sâu xa, hoặc ngôn ngữ quá thiên về kỹ thuật chuyên biệt có thể làm cho phần nhập đề không đạt được mục đích của nó.

Nhập đề cần phải đa dạng. Ta không nên áp dụng chỉ một cách nhập đề cho bài giảng, nhưng nên thay đổi nó hằng tuần. Tuần này ta mở đầu bài giảng bằng một câu chuyện, tuần sau ta mở đầu bài giảng bằng cách đặt câu hỏi, tuần khác ta mở đầu bài giảng qua việc kể lại kinh nghiệm bản thân …

Nhập đề cần phải thực tế. Trong lời mở đầu ta không nên hứa hẹn nhiều hơn hoặc ít hơn về nội dung và lợi ích mà thực sự bài giảng có thể làm trọn được. Ta phải cẩn thận trong cách dùng các câu nói phóng đại quá đáng hoặc các câu nói quá yếu hay quá khiêm nhường trong phần giới thiệu.

Nhập đề cần được trình bày với những cảm xúc thích hợp. Ta cần giới thiệu bài giảng với giọng nói mang tính cách thuộc linh và cảm xúc phù hợp với bài giảng. Giọng nói của ta có thể phản ảnh sự nhiệt thành, sự nghiêm trang, nỗi vui mừng, lòng trắc ẩn hoặc những cảm xúc khác.

  1. Kết luận hữu hiệu

Trong đa số các bài giảng, phần kết là phần ít khi được chuẩn bị nhất, đến nỗi có người đã đề ra nguyên tắc này: “Đừng bắt đầu một bài giảng nếu bạn chưa biết mình sẽ nói gì trong hai câu cuối cùng”.

Một kết luận tồi tệ có thể làm hỏng cả một bài giảng tốt. Khi phần kết luận không được chuẩn bị đầy đủ, diễn giả sẽ kéo bài giảng đi lòng vòng. Lúc diễn giả loay hoay tìm cách kết thúc thì rất dễ rơi vào trường hợp nói lặp đi lặp lại, nói lãng xẹt, nói thêm một ý mới, hoặc nói “cương”.

Dưới đây là một số ý kiến của thính giả ta cần để ý:

  • “Thật là khổ sở khi nhìn thấy ông ấy loay hoay để chấm dứt”
  • “Nhiều khi chúng tôi biết ông ấy đã nói hết các ý rồi, nhưng điều đó không có nghĩa rằng ông ấy ngừng. Mọi người đã ngừng lắng nghe, nhưng ông ấy thì tiếp tục đi lòng vòng”.
  • Ô, tôi ước chi các bài giảng được kết thúc một cách gọn gàng”.
  • “Tôi bực nhất với những kết thúc giả. Ông ấy nói “Tóm lại” nhưng rồi lại lấy hơi để nói tiếp những điều gì đó khác nữa”.
  • Một Chúa Nhật nọ, trên đường về nhà, người cha hỏi cậu con trai mười tuổi của mình đã nghĩ thế nào về vị mục sư mới đổi tới. Cậu con đáp: “Con thích vị mục sư mới nhiều hơn vị mục sư cũ”. Người cha nói: “Tại sao con thích vị mục sư mới này nhiều hơn?” Cậu con giải thích: “Bởi vì ông mục sư mới này khi nói: ‘Để kết luận’, thì ông kết luận liền. Còn vị mục sư cũ khi nói: ‘Sau hết’, thì một hồi lâu lại nói: ‘Sau hết’, rồi lại nói: ‘Sau hết’ mà không bao giờ chịu chấm hết!”

Giô-suê giảng một bài rất đầy ơn trước các trưởng lão Y-sơ-ra-ên. Sau khi kể lại cách Đức Chúa Trời đã đối xử với tuyển dân Chúa suốt từ thời Áp-ra-ham, ông kết luận với những lời này:

Vậy bây giờ, hãy kính sợ Đức Giê-hô-va, và phục sự Ngài cách thành tâm và trung tín; hãy bỏ xa các thần mà tổ phụ các ngươi hầu việc bên kia sông, và tại xứ Ê-díp-tô; phải phục sự Đức Giê-hô-va. Nếu chẳng thích cho các ngươi phục sự Đức Giê-hô-va, thì ngày nay hãy chọn ai mà mình muốn phục sự, hoặc các thần mà tổ phụ các ngươi đã hầu việc bên kia sông, hoặc các thần dân A-mô-rít trong xứ mà các ngươi ở; nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va (Giô-suê 24:14-15).

Bài giảng của Phi-e-rơ trước một đám đông ở Giê-ru-sa-lem vào ngày Lễ Ngũ Tuần có được 3.000 tin Chúa là nhờ quyền năng Thánh Linh và lời kết luận hữu hiệu.

Vậy, cả nhà Y-sơ-ra-ên khá biết chắc rằng Đức Chúa Trời đã tôn Giê-xu nầy, mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Đấng Christ”. Những người hiện diện đã hỏi: “Hỡi anh em, chúng ta phải làm chi?” Phi-e-rơ đáp: “Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Giê-xu chịu phép báp-têm” (Công-vụ các Sứ-đồ 2:36-38).

Vậy nên, lời kết luận hiệu quả phải:

  • Có liên quan trực tiếp đến những ý tưởng ta đã trình bày.
  • Diễn giả cũng phải cho thính giả biết phải làm gì về những điều họ đã nghe.
  • Ta nên nói điều gì nhằm thúc đẩy thính giả hành động theo những gì họ đã nghe. Rồi ta giục giã lòng người qua những gì ta nói và cách ta nói.
  1. Giảng trong quyền năng của Thánh Linh

Một mục sư rất cảm động về câu chuyện Chúa Giê-xu đi với hai môn đệ trên đường Em-ma-út. Khi cùng đi với nhau, Ngài giảng cho họ hai tiếng đồng hồ. Lời Ngài nung nấu lòng dạ họ suốt hai giờ đó. Vị mục sư ấy giữ lấy khuôn mẫu này và mong muốn mỗi lần giảng dạy đều được giống như Chúa để đem lại sự thay đổi trong đời sống người nghe.

Một đùi gà được lấy ra khỏi tủ lạnh thì không ai muốn ăn, nhưng cũng cùng đùi gà ấy sau khi nấu chín thì làm cho người ta chảy nước miếng. Cũng vậy nếu ta rao giảng lẽ thật đông lạnh thì không đem lại sự thay đổi cho người nghe, nhưng cũng cùng lẽ thật ấy được rao giảng trong quyền năng của Thánh Linh thì sẽ đem lại sự khác biệt.

 Kết

Giảng dạy hiệu quả không phải do tình cờ. Nó là một tiến trình của sự cầu nguyện, học hỏi, và thực hành.

Giám mục Tô Văn Út

 

[1] Lee, tr 60

[2] Lee, tr 60

[3] Lee, tr. 60.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *