Chúa Giê-xu Chịu Đóng Đinh Vào Ngày Nào Trong Tuần?

Chúa Giê-xu Chịu Đóng Đinh Vào Ngày Nào Trong Tuần?

Mùa Chay và Mùa Phục sinh 2024

Giám mục Tô Văn Út

Ngày thứ sáu 29 tháng 3 năm nay là Lễ Thương khó và Chúa Nhật 31 tháng 3 là Lễ Phục sinh, tức lễ Chúa Cứu Thế Sống lại. Niềm tin về sự kiện Chúa chịu chết ba ngày ba đêm rồi sống lại, là niềm tin quan trọng nhất của hàng tỉ người theo Cơ Đốc giáo.

Đối với thế gian hư mất, nếu Chúa Cứu Thế không từ cõi chết sống lại sau ba ngày ba đêm, thì cả nhân loại không có hy vọng được giải cứu. Đối với người Cơ Đốc, nếu Chúa Cứu Thế không từ cõi chết sống lại sau ba ngày ba đêm, thì họ là người đáng thương hại hơn cả, vì đã bị lừa gạt, tưởng tôn thờ một Cứu Chúa sống mà Chúa ấy vẫn chết. Nhưng vì Chúa Cứu Thế đã thật từ cõi chết sống lại sau ba ngày ba đêm, nên Lễ Thương khó và Phục sinh đã trở thành lễ lớn nhất, được người tin Chúa kỷ niệm trong niềm biết ơn và cảm động sâu xa.

Tuy nhiên, nhiều người nêu thắc mắc: Có phải Chúa Cứu Thế đã thật chịu chết vào chiều ngày thứ sáu và sống lại vào sáng Chúa Nhật không? Nếu thế, tính ra chỉ có 36 giờ, chứ đâu đủ ba ngày ba đêm là 72 tiếng đồng hồ? Hoặc nói cách khác thời gian Chúa ở trong mộ chỉ có một ngày hai đêm thôi, thiếu mất hai ngày một đêm. Vậy Thánh Kinh viết sai hay Giáo hội lầm lạc?

Để tìm câu trả lời cho nghi vấn trên, ta sẽ xét qua ba quan điểm giải thích về ngày Chúa chịu đóng đinh?

I. Quan điểm Chúa chịu đóng đinh vào ngày thứ tư

Graham Scroggie được kể là người đại diện để lên tiếng bênh vực cho quan điểm này. Trong quyển Guide to the Gospels, Croggie căn cứ vào lời tuyên bố của Chúa Giê-xu ở Ma-thi-ơ 12:40 để quả quyết rằng Chúa chịu đóng đinh vào ngày thứ tư. Trong câu này Chúa nói: “Vì Giô-na đã bị ở trong bụng cá lớn ba ngày ba đêm, cũng một lẽ ấy, con người sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm”. Những người ủng hộ quan điểm này tin rằng Chúa đã nằm trong ngôi mộ ít nhất 72 giờ trước khi Ngài sống lại. Họ không công nhận lời giải thích một phần của ngày cũng được kể là trọn ngày, vì cho rằng Chúa nói rõ Ngài sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm. Croggie bênh vực quan điểm này vì ông tin rằng phải cần thêm thời gian mới đủ, để cho tất cả biến cố từ lúc Chúa chịu chết và sống lại xảy ra.

David Albert, trong bài Was Jesus Right? ở tạp chí Plain Truth số tháng 4-1988, đã cho rằng Giáo hội tính sai khi công bố Chúa chịu đóng đinh vào chiều thứ sáu vì như thế Chúa chỉ ở trong mộ có 36 giờ. Ông đưa ra hai đề nghị để sửa đổi cho đủ 72 tiếng đồng hồ. Một là dời ngày chôn Chúa lại chiều thứ tư và để Ngài sống lại vào chiều thứ bảy. Hai là giữ nguyên ngày chôn Chúa vào chiều thứ sáu, nhưng thay đổi thời điểm Chúa sống lại vào chiều thứ hai!

Tuy nhiên sự giải thích của Croggie và Albert thuần túy là tư biện, tức là dựa vào lý luận chớ không vào sự kiện là lời Thánh Kinh được mặc khải. Quan trọng hơn nữa, qua bằng chứng của thiên văn học và biểu đồ của niên lịch Do Thái, người ta biết chắc là từ năm 27 đến 33 S.C. (khoảng thời gian Chúa chịu chết và sống lại), không có ngày thứ 14 của tháng Nisan nào rơi nhằm vào ngày thứ tư.

II. Quan điểm Chúa chịu đóng đinh vào ngày thứ năm

Cũng giống như trường hợp trên, quan điểm này dùng Ma-thi-ơ 12:40 để bênh vực cho niềm tin mình. B. F. Westcott được coi là đại diện cho phái này. Ông cho rằng Chúa chịu đóng đinh vào ngày thứ năm mới đúng với yếu tố thời gian trong Ma-thi-ơ 12:40. Quan điểm này giải thích rằng Chúa khải hoàn vào Giê-ru-sa-lem nhằm Chúa nhật ngày 10 tháng Nisan và vì vậy làm ứng nghiệm Thánh Kinh Cựu Ước về hình bóng của Chiên Con lễ Vượt qua. Họ tin rằng Chúa chịu đóng đinh vào thứ năm ngày 14 tháng Nisan. Họ cũng căn cứ vào Giăng 19:31 để tuyên bố rằng ngày 15 tháng Nisan là ngày Sa-bát đặc biệt. Những người này trích dẫn chữ Hy-lạp ở dạng số nhiều Sabbaton trong Ma-thi-ơ 28:1 để minh chứng rằng có hai ngày Sa-bát xảy ra trong hai ngày liền nhau ở tuần lễ Thương khó (two Sabbaths occurred on two consecutive days in Passion week).

Tuy nhiên, quan điểm Chúa chịu đóng đinh vào ngày thứ năm cũng chưa phải là lời giải thích đáng tin nhận. Hoehner cho rằng lời kết luận ngày 15 tháng Nisan là một ngày Sa-bát là lời kết luận vô bằng cớ.  Hơn nữa, trong Thánh Kinh từ liệu ở dạng số nhiều Sabbaton được dùng rất thường và chỉ có nghĩa duy nhất là một ngày Sa-bát chớ không phải hai ngày Sa-bát xảy ra trong hai ngày liền nhau (xin đọc Ma-thi-ơ 12:1-12; Mác 3:2).

Nhiều người khác cũng ủng hộ quan điểm này và quả quyết là Chúa chịu chết vào ngày thứ năm. Họ tin rằng không phải Chúa Giê-xu chết ở đồi Gô-gô-tha khi Ngài trút hơi thở cuối cùng. Nhưng Chúa thọ tử ngay lúc Ngài chối từ địa vị quyền oai, vinh hiển, cao cả để bằng lòng chịu hình khổ, sỉ nhục, đau đớn cho tội lỗi con người. Và thời điểm đó là tối thứ năm lúc Ngài bị bắt. Những người theo quan điểm này cho rằng chỉ có lời giải thích ấy mới hợp lý và Chúa chịu chết vào thời điểm đó mới đủ ba ngày ba đêm hay 72 tiếng đồng hồ như lời Chúa đã phán.

Tuy nhiên, lời giải thích trên cũng chỉ dựa vào lý luận chớ không vào sự kiện là lời Thánh Kinh được mặc khải. Những người này cố gắng tìm cách chứng minh từ khi Chúa chịu chết đến lúc sống lại cho đủ 72 giờ, chớ không tìm biết lời Thánh Kinh dạy thế nào về ý nghĩa của từ ngữ “ba ngày ba đêm.”

 III. Quan điểm Chúa chịu đóng đinh vào ngày thứ sáu

Quan điểm này đã được các giáo phụ và hầu hết những học giả trải qua các đời ủng hộ. Giáo hội Tin lành Giám lý Liên hiệp Việt Nam đồng ý với quan điểm này. Thánh Kinh cũng đưa ra nhiều luận chứng để ủng hộ quan điểm này.

Trước hết, Chúa Giê-xu đã xác nhận rằng Ngài sẽ chịu chết và đến ngày thứ ba sẽ sống lại (Ma-thi-ơ 16:21; Mác 8:31; Lu-ca 9:22; Giăng 2:19).

Các sách Phúc âm cũng tường thuật rằng Chúa Giê-xu đã chịu đóng đinh và được chôn trong mộ nhằm ngày sắm sửa (ngày chuẩn bị Lễ Vượt qua) là hôm trước ngày Sa-bát (Mác 15:42; Lu-ca 23:53-54). Vào ngày Sa-bát, tức là sau ngày sắm sửa, người Do thái đến xin Phi-lát ra lệnh canh gác ngôi mộ thật nghiêm nhặt (Ma-thi-ơ 27:62). Sau ngày Sa-bát, ngày thứ nhất trong tuần lễ, ngôi mộ trở nên trống không (Ma-thi-ơ 28:1; Mác 16:1-2; Lu-ca 24:1; Giăng 20:1). Cùng ngày đó hai môn đệ trên đường Em-ma-út tường thuật rằng những thầy trưởng tế và các nhà lãnh đạo quốc gia đã bắt Chúa Giê-xu nộp cho chính quyền La mã. Họ tuyên án tử hình và đóng đinh Ngài trên cây thập tự. Việc đã xảy ra ba ngày rồi (Lu-ca 24:21). Mặt khác, những câu Thánh Kinh trên cho thấy ngày Sa-bát là “ngày thứ bảy” (“saturday”) chớ không phải là Lễ Sa-bát (a “feast day” Sabbath), vì Lễ Sa-bát có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần. Căn cứ vào những bằng chứng trên ta có thể khẳng định rằng Chúa Giê-xu chịu đóng đinh vào ngày thứ sáu.

Vấn đề được đặt ra cho những người theo quan điểm này là làm sao giải nghĩa câu Ma-thi-ơ 12:40. Có phải lời Chúa nói “ba ngày ba đêm” trong câu Thánh Kinh đó tương đương với khoảng thời gian từ chiều ngày thứ sáu đến sáng sớm Chúa nhật? Trước khi trả lời cho vấn đề trên, ta sẽ tìm hiểu về cách tính ngày của người xưa.

Trong Thánh Kinh một “ngày” được hiểu như là một khoảng thời gian của sáng và tối được gọi là đầu ngày và cuối ngày, tuy nhiên các phần khác nhau của một ngày cũng được kể là trọn ngày. Theo người xưa, một “ngày trọn” là bắt đầu từ lúc mặt trời lặn này đến mặt trời lặn kế, hoặc từ lúc mặt trời mọc này đến mặt trời mọc sau.

Theo cách tính thời gian hiện nay, nửa đêm (midnight) là thời điểm được dùng để phân biệt từ ngày này sang ngày khác. Tại xứ Ai-cập thời cổ, “ngày” được bắt đầu lúc rạng đông, và ở miền Mê-sô-bô-ta-mi, “ngày” được bắt đầu vào buổi chiều. Người Hy-lạp tính ngày bắt đầu từ lúc mặt trời lặn này đến mặt trời lặn kế, trong khi người La-mã tính một ngày được bắt đầu lúc nửa đêm.

Pliny trong quyển Natural History, cho thấy cách tính ngày của người xưa không giống nhau. Người Ba-by-lôn tính thời gian giữa hai lần mặt trời mọc, người A-thên tính giữa hai lần mặt trời lặn, người Umbrians tính từ buổi trưa này đến buổi trưa khác. Người bình dân khắp nơi tính từ rạng đông đến tối.

Trước thời Môi-se, Cựu Ước bắt đầu một ngày vào buổi sáng. Ví dụ, Sáng-thế ký 19:34 nói rõ là “ngày mai,” hoặc “ngày hôm sau” bắt đầu sau khi mặt trời mọc buổi sáng. Trong thời Môi-se, “ngày” được bắt đầu vào lúc mặt trời lặn (Lê-vi ký 23:32). Lê-vi ký 23:27-32 cũng giải thích về cách tính ngày của Lễ Chuộc tội. Đó là ngày mồng mười tháng bảy (Lễ Chuộc tội), tuy nhiên theo cách tính của người xưa, nó được bắt đầu lúc mặt trời lặn (buổi chiều) ngày mồng chín.

Khi nghiên cứu các sách Phúc âm Cộng quan (Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca) và Công-vụ các sứ-đồ, ta phải hiểu “ngày” được bắt đầu theo cách tính của Sáng-thế ký 19:34, tức là từ sáng nay đến sáng mai. Trong khi đó, sách Phúc âm Giăng cho thấy “ngày” được bắt đầu lúc nửa đêm (Giăng 20:1). Người Do-thái thường tính một ngày được bắt đầu sau khi mặt trời lặn, còn người La-mã tính bắt đầu lúc nửa đêm, và nhà chép Phúc âm Giăng tính ngày theo lối của người La-mã.

Giăng 19:14 cho thấy Chúa Giê-xu ra trước tòa của Phi-lát vào “giờ thứ sáu.” Nhà chép Phúc âm Mác tường thuật rằng Chúa chịu đóng đinh vào “giờ thứ ba” (Mác 15:25). Giờ thứ ba của Phúc âm Mác là giờ thứ ba kể từ lúc rạng đông (6:00 sáng = rạng đông), và vì vậy giờ Chúa chịu đóng đinh là 9:00 sáng.

Hiểu đại cương cách tính ngày giờ của người xưa sẽ giúp ta dễ dàng giải đáp cho câu hỏi, “Có phải ba ngày ba đêm trong Ma-thi-ơ 12:40 tương đương với khoảng thời gian từ chiều thứ sáu đến sáng Chúa nhật?” Để trả lời cho vấn đề này, có 4 điều quan trọng ta cần suy nghĩ.

            (1) Thánh Kinh thường dùng từ ngữ “sau ba ngày” (“after three days”) tương đương với “ngày thứ ba” (“the third day”). Ví dụ, trong Mác 8:31 Chúa Giê-xu nói Ngài phải chịu giết, sau ba ngày phải sống lại. Còn ở Ma-thi-ơ 16:21 Chúa nói Ngài phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại. Mác 10:34 và Ma-thi-ơ 20:19 cũng dùng từ ngữ “sau ba ngày” đồng nghĩa với “ngày thứ ba”. Mác 9:31 và Ma-thi-ơ 17:23 cũng thế.

            (2) Cựu Ước bày tỏ rằng khi việc gì được hoàn tất trong “ba ngày” (“three days”), nó cũng có nghĩa là được hoàn tất vào “ngày thứ ba.” (“the third day”). Ví dụ, Sáng-thế ký 42:17-18 chép, “Giô-sép truyền đem giam họ (các anh mình) chung trong ngục ba ngày. Đến ngày thứ ba, Giô-sép nói cùng họ rằng…” (Xin xem thêm II Sử ký 10:5,12).

            Quan trọng hơn nữa, ngay cả những khi Thánh Kinh nói đến từ ngữ “ba ngày ba đêm” (“three days and three nights”), nó cũng có nghĩa là vào “ngày thứ ba” (“the third day”). Ví dụ, hoàng hậu Ê-xơ-tê nhờ Mạc-đô-chê đi tập họp tất cả người Do-thái ở Su-sơ lại, rồi hãy vì bà nhịn ăn cầu nguyện “ba ngày ba đêm”. “Ngày thứ ba,” hoàng hậu vào nội điện yết kiến vua A-suê-ru (Ê-xơ-tê 4:16- 5:1). Có thể xem thêm trường hợp khác ở I Sa-mu-ên 30:11-13.

           (3) Trong việc đếm ngày, Chúa Giê-xu và các môn đệ đếm bắt đầu từ ngày Chúa chịu đóng đinh. Vì thế, thứ sáu phải là ngày thứ nhất, và Chúa nhật phải là ngày thứ ba. Phương pháp đếm ngày này được bày tỏ trong Tân Ước (Lu-ca 13:32-33) lẫn Cựu Ước (Xuất ê-díp-tô ký 19:10-11,14-16).

            (4) Người Do-thái thường kể một phần của ngày tương đương với trọn ngày. Hoehner xác nhận rằng thực sự này đã được Ra-bi Eleazer ben Azariah, là người sống vào khoảng năm 100 S.C., tường thuật trong bản Jerusalem Talmud.  Vì thế, người Do-thái chẳng cảm thấy gì khó khăn để công nhận một phần của ngày thứ sáu là một ngày, và một phần của ngày Chúa nhật là một ngày. Cũng thế, họ rất dễ nhìn nhận từ ngữ “ba ngày ba đêm” tương đương với “ngày thứ ba,” tức là từ chiều thứ sáu đến sáng Chúa nhật phục sinh.

Căn cứ vào những luận chứng trên, ta có thể kết luận rằng quan điểm Chúa chịu đóng đinh vào ngày thứ sáu mới là quan điểm “đáng đem lòng tin trọn vẹn mà nhận lấy”. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì “Đấng Christ chịu chết vì tội chúng ta theo lời Kinh Thánh; Ngài đã bị chôn, đến ngày thứ ba, Ngài sống lại, theo lời Kinh Thánh” (I Cô-rinh-tô 15:3-4).

http://giamlylienhiep.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *