SỨ ĐIỆP PHỤC SINH 2024: Ý NGHĨA LỄ PHỤC SINH

Ý NGHĨA LỄ PHỤC SINH

“… chúng ta được tái sinh để có một hi vọng sống, nhờ sự sống lại từ cõi chết của Đức Chúa Jêsus Christ”

(I Phi-e-rơ 1:3b)

Hằng năm, ở khắp nơi trên thế giới, người tin Chúa thường kỷ niệm hai kỳ lễ lớn là lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh. Lễ Giáng sinh thường kỷ niệm vào tháng 12 dương lịch, còn lễ Phục sinh thì vào cuối tháng 3 hoặc trong tháng 4 dương lịch.

Tại sao Chúa Giê-xu vào đời, để rồi chịu chết và sống lại? Theo Thánh Kinh, Chúa Giê-xu giáng thế làm người, không phải là sự ra đời thường tình như tất cả mọi người sinh ra trên đất. Chúa vào đời với một mục đích cao cả: Tìm và cứu người hư mất. Nếu sự giáng sinh của Chúa là một biến động lớn nhất trong lịch sử nhân loại, thì sự sống lại của Chúa từ cõi chết, cũng là một biến động có một không hai trong lịch sử loài người.

Lễ Phục sinh thường được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của những người theo Cơ Đốc giáo. Bữa ăn truyền thống của người Hy Lạp trong lễ Phục sinh là thịt của con chiên. Trong niềm tin Cơ Đốc, Chúa Giê-xu là chiên con của Đức Chúa Trời đã vì tội lỗi của loài người mà chịu chết trên thập tự giá. Ngài đã hy sinh và chết thay tội lỗi cho cả nhân loại. Chúa sống lại để chứng tỏ Ngài là Đấng Cứu Tinh của Nhân Loại.

Hôm nay, nhân Lễ Kỷ niệm Chúa Sống lại 2024, chúng ta sẽ tìm hiểu về Ý Nghĩa của Lễ Phục sinh, để biết được những biến động diệu kỳ thông qua sự sống lại của Chúa Cứu Thế. Sự Phục sinh của Chúa Giê-xu đã nói lên cho thế giới biết những ý nghĩa quan trọng nào?

I. Lễ Phục sinh bày tỏ Chúa Giê-xu chính là Chúa Cứu Thế

Khi phao-lô chia sẻ tin mừng cứu rỗi cho những triết gia Hy-lạp tại A-thên, ông không dùng những triết lý dài dòng để biện minh cho Cơ Đốc giáo. Ông chỉ đơn giản công bố rằng, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chịu chết trên thập tự giá vì tội lỗi của con người, và đã sống lại để làm thành sự cứu rỗi cho con người. Do đó, ý nghĩa quan trọng thứ nhất mà lễ Phục sinh bày tỏ: Chúa Giê-xu chính thật là Chúa Cứu Thế.

Sự phục sinh của Chúa đã đem lại sự bảo đảm, là Ngài có đủ khả năng làm Cứu Chúa của loài người.

Sự phục sinh của Chúa Cứu Thế đã đem lại sự bảo đảm, là Ngài có đủ tư cách trở thành vị Cứu tinh của nhân loại.

Sự phục sinh của Chúa đã đem lại sự bảo đảm, là Đức Chúa Trời đã nhìn nhận công trình cứu chuộc của Ngài trên thập tự giá, theo lời Thánh Kinh chép: “Chúa Cứu Thế chịu chết đền tội chúng ta, và sống lại để chứng nhận chúng ta là người công chính” (Rô-ma 4:25 BDY).

Sự phục sinh của Chúa Giê-xu đã bày tỏ, Ngài là sự sống lại và sự sống. Ngài là Con đường, Chân lý, và Nguồn sống. Chúa Giê-xu là Con đường duy nhất dẫn con người đến với Đức Chúa Cha. Ngài là cái cửa duy nhất để cho loài người vào thiên đàng. Ngài là Nguồn duy nhất cho sự cứu rỗi.

Một tôi tớ Chúa (cố MS Đoàn Văn Miêng) kể chuyện: Một người kia có ý định sáng lập một tôn giáo mới, nên đã đến với vị giáo sư lão thành hỏi ý kiến xem mình phải bắt đầu như thế nào. Vị giáo sư nói với người rằng điều đó rất giản dị. Trước hết người phải viết ra những giáo huấn cho tôn giáo mà người đã đề xướng rồi phân phát cho các môn đệ của người.

– Người ấy hỏi: “Rồi tôi phải làm gì nữa?”

– Vị giáo sư trả lời: “Sau đó ông phải tự để mình chịu đóng đinh, chịu chết và được chôn. Đến ngày thứ ba ông phải từ cõi chết sống lại và hiện ra cho 500 người”.

Chúng ta đã biết đoạn kết của câu chuyện: Người ấy chẳng bao giờ thực hiện được theo lời dạy của vị giáo sư lão thành đó. Chẳng phải chỉ người này không làm được, mà tất cả mọi người trên đất, ngay cả Thích Ca, Khổng Tử, Mô-ha-mét cũng đều bất lực trước sự chết. Ngoài Chúa Cứu Thế Giê-xu, không ai dám tự nhận mình có thể từ cõi chết sống lại. Ý nghĩa thứ hai của Lễ Phục sinh:

II. Lễ Phục sinh bày tỏ rằng người tin Chúa cũng được sống lại từ cõi chết

Hy vọng sống ấy được Thánh Kinh bày tỏ: “Chúa Cứu Thế thật đã sống lại, Ngài sống lại đầu tiên trong muôn triệu người sẽ sống lại. Do một người mà có sự chết, cũng do một người mà có sự sống lại của kẻ chết. Do A-đam mọi người đều chết, do Chúa Cứu Thế mọi người đều sẽ sống lại. Sự sống lại diễn ra theo thứ tự: Chúa Cứu Thế Giê-xu sống lại trước hết, đến ngày Chúa tái lâm, những người thuộc về Ngài sẽ sống lại” (I Cô-rinh-tô 15:20-23 BDY).

Có người hỏi rằng: Người chết sẽ sống lại cách nào? Lấy thể xác đâu mà sống lại? Phao-lô giải thích: “Vật gì người gieo ra nếu không chết đi trước đã, thì không sống lại được. Còn như vật người gieo, ấy không phải là chính hình thể sẽ sinh ra, chẳng qua là một cái hột, như hột lúa mì hay là hột giống nào khác. Đức Chúa Trời cho nó hình thể tùy ý Ngài lấy làm tốt, mỗi một hột giống, cho một hình thể riêng… Sự sống lại của kẻ chết cũng như vậy. Thân thể đã gieo ra là hay hư nát, mà sống lại là không hay hư nát; đã gieo ra là nhục, mà sống lại là vinh; đã gieo ra là yếu, mà sống lại là mạnh; đã gieo ra là thể huyết khí, mà sống lại là thể thiêng liêng… Nhưng chẳng phải thể thiêng liêng đến trước, ấy là thể huyết khí; rồi thể thiêng liêng đến sau… Như chúng ta đã mang ảnh tượng của người thuộc về đất, thì chúng ta cũng sẽ mang ảnh tượng của người thuộc về trời” (I Cô-rinh-tô 15:35-49).

Sự phục sinh của Chúa Giê-xu là một dấu hiệu và là lời hứa trịnh trọng về sự sống lại sẽ được thể hiện trong tương lai. Vì Chúa Giê-xu đã từ cõi chết sống lại, người tin Chúa cũng biết chắc Đức Chúa Trời sẽ khiến họ được sống lại từ cõi chết.

Phao-lô luận giải lẽ thật này cách chi tiết trong I Cô-rinh-tô 15. Tại hội thánh Cô-rinh-tô có người dạy rằng kẻ chết sẽ không sống lại, vì thế Phao-lô giảng giải: “Ngài sống lại làm gì nếu người chết không được sống lại? Nếu Chúa Cứu Thế đã chẳng sống lại, đức tin anh em hóa ra vô ích, anh em vẫn còn bị đày đọa trong tội lỗi, và các tín hữu đã chết cũng vĩnh viễn hư vong” (15:16-18 BDY).

Phao-lô khẳng định: “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã từ kẻ chết sống lại, Ngài là trái đầu mùa của những kẻ ngủ” (15:20). Sự phục sinh của Chúa Cứu Thế là sự bảo đảm cho mọi người tin Chúa cũng sẽ được sống lại (15:23). Cơ Đốc nhân cử hành lễ kỷ niệm Chúa sống lại không những để Mừng Chúa Phục Sinh, mà còn nói lên cho mọi người biết rằng: “trong Đấng Christ mọi người đều sẽ sống lại” (15:22).

Mặt khác, ở Rô-ma 8:23, Phao-lô nói người tin Chúa là “kẻ có trái đầu mùa của Thánh Linh” đang mong đợi ngày hưởng trọn quyền làm con Thượng Đế, “tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta” không còn hư hoại nữa. Sự hiện diện của Thánh Linh trong đời sống người tin Chúa là sự bảo đảm cho việc được hưởng trọn ơn cứu rỗi trong ngày sống lại.

Trong Rô-ma 16:5, Ê-bai-nết được gọi là “trái đầu mùa trong xứ A-si”. Biểu tượng này nói lên rằng Ê-bai-nết là một trong những người đầu tiên do Phao-lô hướng dẫn tiếp nhận Chúa, và chắc chắn cũng sẽ có nhiều người tin Chúa trong tương lai. Cũng vậy, Chúa Cứu Thế là “trái đầu mùa của những kẻ ngủ”, Ngài là người sống lại đầu tiên, chắc chắn trong tương lai cũng có muôn triệu người sẽ sống lại. Ông Phi-e-rơ khi nghĩ đến thực sự này, đã vui mừng thốt lên: “Ngợi khen Đức Chúa Trời… chúng ta nhờ sự Chúa Cứu Thế Giê-xu từ trong kẻ chết sống lại mà có được HY VỌNG SỐNG” (I Phi-e-rơ 1:3).

III. Lễ Phục sinh bày tỏ rằng người tin Chúa sẽ có được hy vọng cho tương lai

Chúa Giê-xu đã tự phó sự sống mình trên thập tự giá làm sinh tế chuộc tội loài người. Ngài đã đắc thắng tử thần, bước ra khỏi mồ mả cách vinh hiển. Chúa đã sống lại và đang sống, để chăm sóc, bảo vệ, hướng dẫn người tin Chúa. Và rồi Chúa sẽ trở lại, để thực hiện lời hứa của Ngài: “Ta đi sắm sẵn các con một chỗ. Khi ta đã đi, và sắm sẳn các con một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các con đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các con cũng ở đó” (Giăng 14:1-4). Chúng ta là con cái Chúa đang có một tương lai tốt đẹp, một tương lai phước hạnh, một tương lai không phải do mình cố công tạo dựng, nhưng do Chúa Cứu Thế sắm sẵn và ban cho nhờ sự sống lại của Ngài. Tương lai chúng ta là được ở với Chúa, được đồng hưởng vinh hiển với Ngài. Tác giả sách Hê-bơ-rơ kể chuyện về các thánh thưở xưa: “Tất cả những người ấy… chỉ trông thấy và chào mừng những điều ấy từ đằng xa, xưng mình là kiều dân và lữ khách trên đất. Vì những người nói như thế, chứng tỏ rằng họ đang đi tìm một quê hương. Nếu họ đã nghĩ đến quê hương mà mình từ đó đi ra, thì họ cũng đã có cơ hội trở về. Nhưng họ mong ước một quê hương tốt hơn, tức là quê hương trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ, vì Ngài đã chuẩn bị cho họ một thành” (11:13-16). Cám ơn Chúa về một tương lai phước hạnh mà Ngài đã chuẩn bị cho những người tin nhận Chúa Phục sinh.

Để kết luận, tôi nhớ có nghe một tôi tớ Chúa kể chuyện: Vào năm 1904, trong một cuộc triển lãm do Viện Hàn lâm của Hoàng gia Anh tổ chức, họa sĩ Smith Kose đã cho trưng bày một bức tranh mang tên: “BỊ LOÀI NGƯỜI KHINH DỂ VÀ CHỐI BỎ”.

Bức tranh đó vẽ cảnh Chúa Giê-xu đang đứng trên thềm của nhà thờ nguy nga Thánh Phao-lô, nằm ngay giữa khu trung tâm của Luân Đôn, Anh Quốc. Một đám đông dân chúng thuộc đủ mọi hạng người đi ngang qua, thế nhưng, KHÔNG một ai nhìn thấy Chúa Cứu Thế Giê-xu.

Đầu tiên là một NGƯỜI ĐÀN ÔNG đi ngang qua. Ông ấy vừa đi vừa dán mũi vào một tờ báo, đến nỗi SUÝT đâm sầm vào Chúa Giê-xu.

Tiếp theo là một NHÀ KHOA HỌC. Đầu óc của ông còn đang để cả ở phòng thí nghiệm với những chai lọ, hoá chất, nên ông đi qua, KHÔNG thấy Chúa Giê-xu.

Rồi một nhân vật cao cấp trong HÀNG TU SĨ tiến đến, nghiêm trang và tự mãn, nhưng KHÔNG hề để ý đến sự có mặt của Chúa Giê-xu.

Nối gót theo sau là một NHÀ THẦN HỌC. Vị này vừa đi vừa lý luận về Đức Chúa Trời, về đời sống và chức vụ của Chúa Giê-xu. Ông bước nhanh qua Ngài mà KHÔNG thấy Chúa Giê-xu.

Gần đó có một DIỄN GIẢ đang vung tay, vung chân thuyết trình cho đám đông về quyền lợi của con người, nhưng ông ấy cũng KHÔNG buồn liếc nhìn Chúa Giê-xu.

Duy chỉ có một NỮ Y TÁ ngước mắt nhìn Chúa Giê-xu, nhưng bà vẫn TIẾP TỤC con đường của mình.

Thưa hội thánh, bức hoạ trên nói lên một điều NGHỊCH LÝ đang xảy ra ngay giữa chúng ta: Loài người CHẲNG thấy Chúa, không phải vì Chúa không sống lại. Chúa đã sống lại rồi, nhưng nhiều người KHÔNG nhận ra Ngài. Chúa đã có ở đó, nhưng nhiều người KHÔNG tiếp nhận Ngài.

Trong Mùa Phục Sinh này, tôi cầu nguyện cho hết thảy chúng ta, đễ mỗi người đều NHẬN RA Chúa Phục sinh. Nhiều người sẽ NHÌN THẤY Chúa Phục sinh. Nhiều người sẽ TIẾP NHẬN Chúa Phục sinh. Nhiều người sẽ được LÀM CON CÁI Chúa Phục sinh. Nhiều người sẽ được tràn trề SỨC SỐNG VĨNH CỬU cùa Chúa Phục sinh. Nhiều người sẽ được Ở VỚI Chúa Phục sinh. Nhiều người sẽ ĐỒNG HƯỞNG vinh hiển của Chúa Phục sinh. Nhiều người sẽ nhận được “CƠ NGHIỆP CỨU RỖI” do Chúa Phục sinh ban cho (I Phi-e-rơ 1:3-6). Amen.

Giám mục Tô Văn Út

Phục Sinh 2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *