Giu-đa ích-ca-ri-ốt

Giu-đa ích-ca-ri-ốt

Mùa Chay và Mùa Phục sinh 2019

Giám mục Tô Văn Út 

Theo Thánh Kinh, Giu-đa ích-ca-ri-ốt là con Si-môn, quê ở Kê-ri-giốt, xứ Mô-áp (Giê-rê-mi 48:24; A-mốt 2:2) hoặc ở Kê-ri-giốt-Hết-rôn, còn gọi là Hát-so (Giô-suê 15:25). Các sách Phúc âm không cho biết nhiều về thời niên thiếu của Giu-đa ích-ca-ri-ốt hoặc những ngày đầu theo Chúa. Nhà chép phúc âm Lu-ca tường thuật Giu-đa ích-ca-ri-ốt là một trong những môn đệ Chúa Giê–xu. Từ trong các môn đệ này, Chúa chọn ra 12 người gọi là sứ đồ và Giu-đa ích-ca-ri-ốt là một trong những sứ đồ đó.

Mối liên hệ giữa Chúa Giê-xu với Giu-đa ích-ca-ri-ốt được nhắc tới vào dịp Ngài đến nhà anh em La-xa-rơ ở làng Bê-tha-ni. Lúc Chúa Giê-xu và các môn đệ dự tiệc, Ma-ri lấy một cân dầu cam tùng nguyên chất xức chân Chúa. Giu-đa ích-ca-ri-ốt thấy vậy liền trách Ma-ri: “Sao cô không đem bán chai dầu thơm lấy ba trăm đồng bố thí cho người nghèo?” (Giăng 12:4-5 BDY). Nhà chép Phúc âm Giăng nhấn mạnh, “Giu-đa nói thế không phải vì thương người nghèo, nhưng vì anh làm thủ quỹ, thường quen thói trộm cắp” (12:6 BDY).

Sau khi bị Chúa Giê-xu khiển trách, Giu-đa ích-ca-ri-ốt đi tìm những thầy trưởng tế và các viên chỉ huy lính gác Đền thờ để bàn mưu bắt Chúa. Từ đó, Giu-đa tìm cơ hội nộp Chúa lúc không có dân chúng ở gần Ngài (Lu-ca 22:3-6).

Giu-đa ích-ca-ri-ốt giấu kín sự phản bội được ít lâu, thì tại Bữa Ăn Tối Cuối Cùng, Chúa Giê-xu tiết lộ là có một người trong những sứ đồ sẽ phản Ngài, rồi Chúa gián tiếp khuyến cáo Giu-đa. Cho dù được cảnh cáo nhưng Giu-đa vẫn tiếp tục âm mưu bắt Chúa. Giu-đa biết khu vườn mà Chúa thường lui tới nghỉ ngơi và cầu nguyện nên đã dẫn tay sai của các thầy trưởng tế và các trưởng lão gồm một toán người cầm gươm dao, gậy gộc đến bắt Chúa. Giu-đa đã ra ám hiệu: “Tôi hôn người nào, các anh cứ bắt giữ ngay!” Giu-đa trân tráo xông thẳng đến chào Chúa: “Lạy thầy! rồi hôn Chúa”. Bọn kia liền xông vào bắt giữ Ngài (Ma-thi-ơ 26:36-56).

Khi thấy Chúa bị kết án nặng nề, Giu-đa hối hận, liền đem ba mươi lạng bạc trả lại cho các thầy trưởng tế và các trưởng lão, mà rằng: “Tôi có tội vì đã phản bội người vô tội!” Họ lạnh lùng đáp: “Mặc anh chứ! Việc ấy liên hệ gì đến chúng tôi?” Giu-đa đem vất bạc vào trong Đền thờ rồi ra ngoài thắt cổ chết.

Nhiều người nêu nghi vấn về đời sống thuộc linh của Giu-đa: Trong những năm tháng theo Chúa Giu-đa đã được cứu chưa? Khi tự sát, số phận của ông thế nào? Có phải Giu-đa đã được cứu, nhưng đánh mất sự cứu rỗi do việc phản Chúa? Thánh Kinh dạy gì về thực sự này?

Nhân Mùa Chay và Phục sinh, ta sẽ tìm biết về cuộc đời của Giu-đa, không phải tìm hiểu để làm cuộc phán xét số phận của ông, nhưng để xem lại niềm tin của bản thân ta đối với Đấng đã yêu thương và hy sinh mạng sống chuộc tội cho ta. Có hai quan điểm giải thích về số phận đời đời của Giu-đa.

 I. Giu-đa đã được cứu nhưng đánh mất sự cứu rỗi

Quan điểm này căn cứ vào lời cầu nguyện của Chúa Giê-xu trong Giăng 17:12 để nói lên luận chứng mình. Câu ấy chép: “Đang khi Con còn ở với họ, Con gìn giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con. Con đã gìn giữ họ, trừ đứa con của sự hư mất ra, thì trong đám họ không một người nào bị thất lạc, hầu cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm”. Những người theo quan điểm này tin rằng trước đó Giu-đa đã được cứu, nhưng về sau đã đánh mất sự cứu rỗi.

Tuy nhiên, nếu công nhận lời giải thích trên là đúng thì ta cũng phải nhìn nhận rằng trước đó Chúa Giê-xu đã gìn giữ Giu-đa, nhưng sau này Ngài không tiếp tục gìn giữ người đến nỗi người bị mất sự cứu rỗi. Thật ra không phải vậy. Cụm từ “Con đã gìn giữ” trong nguyên văn được dùng ở thì Imperfect Active có nghĩa là “Con đã tiếp tục gìn giữ.” Phao-lô cũng xác chứng: “Nhưng ta chẳng hề hổ thẹn, vì biết ta tin Đấng nào, chắc rằng Đấng ấy có quyền phép giữ sự ta đã phó thác cho đến ngày đó” (II Ti-mô-thê 1:12). Còn chữ “đứa con của sự hư mất” chẳng những ám chỉ số phận đời đời của Giu-đa, mà còn nhấn mạnh đến cá tánh của ông.

Người Do Thái có tập quán tỏ bày cá tánh của người ta qua việc gọi người là “đứa con của… (tùy theo cá tánh người).” Đọc Thánh Kinh ta thấy dân Y-sơ-ra-ên thường hay phạm tội cùng Đức Chúa Trời nên họ được gọi là “con cái của sự gian ác” (Ô-sê 10:9), hoặc “con cái của bội nghịch” (Ê-sai 57:4). Chúa Giê-xu đặt tên hai anh em Gia-cơ và Giăng là “con trai của sấm sét” để nói lên tánh nóng của người (Mác 3:17). Và ở đây Giu-đa ích-ca-ri-ốt được gọi là “đứa con của sự hư mất”, để cho thấy ông chưa thật sự thuộc về Chúa Giê-xu, cũng như chưa bao giờ kinh nghiệm sự cứu rỗi. Giu-đa là người giả hình, đạo đức giả và bây giờ trở nên người phản Chúa. Cá tánh của người là vậy và người luôn luôn là “đứa con của sự hư mất.” Từ ngữ đó cũng được dùng để chỉ về người tội ác trong II Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, “Mặc ai dùng cách nào, cũng đừng để họ lừa dối mình. Vì phải có sự ăn năn bỏ đạo đến trước, và có người tội ác, con của sự hư mất hiện ra”.

Trong Công-vụ các sứ-đồ 1:15-25, sử gia Lu-ca tường thuật việc cử Ma-thia làm sứ đồ thay cho Giu-đa cũng có đề cập đến số phận của Giu-đa. “Một hôm, giữa buổi họp của 120 môn đệ của Chúa, Phê-rơ đứng lên phát biểu: Thưa các anh em, lời Thánh Kinh phải được ứng nghiệm. Trong một bài thơ của Đa-vít, Thánh Linh đã báo trước về Giu-đa, người điềm chỉ cho bọn bắt Chúa Giê–xu. Nó vốn thuộc hàng ngũ chúng ta, dự phần phục vụ với chúng ta. Nhưng nó phản bội, bán Chúa lấy tiền mua đất rồi té nhào xuống, bụng nứt ra, ruột đổ tung tóe. Chuyện ấy cả dân thành Giê-ru-sa-lem đều biết rõ, nên họ gọi miếng đất ấy là ‘Cánh đồng huyết’. Vậy bây giờ phải chọn một người đã cùng chúng ta theo Chúa suốt thời gian Ngài hoạt động, tức từ lúc Giăng bắt đầu làm phép báp têm cho đến ngày Chúa về trời. Phải cử một người hiệp với chúng ta làm chứng cho mọi người biết Chúa đã sống lại. Các môn đệ đề cử hai người là Giô-sép, con trai Ba-sa-ba (biệt danh là Giúc-tu) và Ma-thia”.

Sau đó các môn đệ khẩn khiết cầu nguyện: “Lạy Chúa, Ngài biết rõ lòng mọi người, xin tỏ ra cho chúng tôi nội hai người này ai là người Chúa đã chọn, đặng dự phần vào chức vụ sứ đồ, thay vì Giu-đa đã bỏ đặng đi nơi của nó.” Bản New American Standard Bible (NASB) dịch, “Thou, Lord, who knowest the hearts of all men, show which one of these two Thou hast chosen to occupy this ministry of apostleship from which Judas turned aside to go his own place.” Động từ “turned aside” là ra từ chữ parabaino và hàm ý việc Giu-đa rút khỏi chức vụ sứ đồ. Tuy nhiên, trong nguyên văn câu này không dùng từ liệu parabaino, mà là dùng chữ parebe để nói lên tội cố ý của Giu-đa. Từ liệu này không phải chỉ việc Giu-đa bị mất sự cứu rỗi hoặc chẳng còn được cứu rỗi, nhưng tỏ bày rằng Giu-đa cố ý chọn lựa không muốn trở thành một sứ đồ. Kết quả sự lựa chọn đó là Giu-đa đi vào “nơi ở của nó,” nghĩa là “cõi hư vong- hỏa ngục”. Lý do Giu-đa đào nhiệm chức vụ sứ đồ, vì ông không phải là một sứ đồ thật. Giu-đa chưa bao giờ thật tâm tin Chúa, cũng chẳng từng kinh nghiệm sự cứu rỗi nên đâu có gì để mất. Chính vì thế, trước đó khi nói về Giu-đa, Chúa phán: “Ta há chẳng chọn các ngươi là mười hai sứ đồ sao? Mà một người trong các ngươi là quỉ!” (Giăng 6:70).

II. Giu-đa chưa thật được cứu rỗi qua những năm tháng theo chúa

Nhà chép Phúc âm Ma-thi-ơ tường thuật, trong Bữa Tiệc Cuối Cùng, khi ngồi ăn với 12 sứ đồ, Chúa Giê-xu phán: “Ta bảo thật, một người trong các con sẽ phản ta!” Các môn đệ sợ hãi, lần lượt hỏi Chúa: “Thưa thầy, có phải con không?” Chúa đáp: “Người nào nhúng bánh vào đĩa với ta là người phản ta. Ta phải hy sinh như lời Thánh Kinh nói trước, nhưng khốn cho kẻ phản ta, thà nó chẳng sinh ra còn hơn!” (26:20-25 BDY). Qua lời phán của Chúa Giê-xu, ta biết được số phận đời đời của Giu-đa. Mặc dù đã theo Chúa nhiều năm, nhưng Giu-đa chưa thật tâm tin Chúa. Đối với một người đã kinh nghiệm sự cứu rỗi, Chúa không bao giờ dùng những lời trên để quở trách. Đây không phải là số phận của người đã thật lòng tin Chúa, cũng chẳng phải là kết quả đời sống của người đã từng trải sự cứu rỗi.

Mặt khác, nhà chép Phúc âm Giăng một lần nữa bày tỏ thêm bằng chứng về việc Giu-đa chưa thật tâm tin Chúa. Trong Giăng 17:12, Chúa Giê-xu cầu nguyện với Đức Chúa Cha: “Đang khi Con còn ở với họ, Con gìn giữ họ trong danh Cha, là danh Cha đã ban cho Con. Con đã gìn giữ họ, trừ đứa con của sự hư mất ra, thì trong đám họ không một người nào bị thất lạc.” Bản New American Standard Bible dịch: “While I was with them, I was keeping them in Thy name which Thou hast given me; and I guarded them, and not one of them perished but the son of perdition.” Từ liệu “perished” trong nguyên văn Hy-lạp là apoleto. Từ liệu này với chữ “bị hư mất” trong Giăng 3:16 có liên hệ với nhau. Thực sự trên cho thấy số phận hư mất đời đời của Giu-đa vì chưa thật tâm tin Chúa.

Vậy có phải Giu-đa đã được cứu nhưng đánh mất sự cứu rỗi? Chắc chắn là không. Giu-đa chẳng phải bị mất sự cứu rỗi, bởi lẽ người chưa bao giờ từng trải phước hạnh đó. Thực sự này là một lời khuyến cáo nghiêm trọng cho những ai đã từng theo Chúa, đi lễ Chúa Nhật, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, phục vụ Chúa, dâng hiến, ngay cả đuổi quỉ, làm phép lạ… nhưng chưa bao giờ thật tâm tin Ngài. Chúa Giê-xu cảnh cáo: “Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm phép lạ sao? Khi ấy, ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi ta” (Ma-thi-ơ 7:21-23).

Trong mùa Chay và Phục sinh này, “Anh em hãy tự xét, xem mình có đức tin không? Anh em có nhận thấy Chúa Cứu Thế sống trong anh em, và quyền năng Ngài tác động ngày càng mạnh mẽ trong anh em? Hay là anh em tự nhận mình là con cái Chúa mà thật ra không phải?” (II Cô-rinh-tô 13:5 BDY).

http://giamlylienhiep.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *