Sứ điệp Thương Khó 2024: Ý NGHĨA LỄ THƯƠNG KHÓ

Ý NGHĨA LỄ THƯƠNG KHÓ

I Phi-e-rơ 2:24

“Ngài mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ…”

Hơn 40 năm trước, tôi và nhà tôi với ban thăm viếng của hội thánh Toronto, Canada có ghé thăm một gia đình con cái Chúa. Trong khi chúng tôi nói chuyện vui vẻ với nhau, thì một người trong ban thăm viếng nhìn thấy nhà gia chủ có treo bức hình Chúa Giê-xu với 12 sứ đồ dự tiệc thánh. Người này nêu thắc mắc là không biết trong những năm Chúa Giê-xu sống trên đất, Ngài có lưu lại bức hình nào hay không, sao mà ngày nay các bức hình của Chúa hầu hết đều giống nhau.

Tôi đáp: “Mặc dù Chúa Giê-xu đã sống 33 năm trên đất, nhưng lạ lùng là Ngài không lưu lại bức hình nào cả. Bức hình Chúa Giê-xu chúng ta có ngày nay là do một hoạ sĩ nổi danh vẽ ra. Ông ấy dựa vào một người Do Thái bình thường nhưng có nét mặt đầy yêu thương, nhân từ để tạo nên chân dung của Chúa.

Lý do Chúa Giê-xu không lưu lại bức hình nào vì Chúa biết sẽ có nhiều người quỳ lạy, tôn thờ trước chân dung Ngài. Chúa Giê-xu không muốn một ai quỳ lạy trước chân dung Ngài cho dù đó là hình ảnh của Chúa. Sự thờ phượng Chúa đẹp lòng, là chúng ta phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ phượng.

Trong buổi lễ Kỷ Niệm Chúa Chịu Thương Khó tối nay, chúng ta không có bức hình Chúa Giê-xu. Giờ này, tôi mời gọi anh chị em hãy nhớ lại quang cảnh Chúa chịu thương khó để hình dung ra hình ảnh của Chúa. Chúng ta làm vậy không phải để quỳ lạy, nhưng để nhớ đến những thống khổ mà Chúa Giê-xu đã chịu vì chúng ta. Hơn hai ngàn năm trước, Chúa Giê-xu đã mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ. Và Lễ Kỷ Niệm Chúa Chịu Thương Khó đã bày tỏ cho thế giới biết nhiều ý nghĩa quan trọng cần phải biết.

I. Lễ thương khó bày tỏ Chúa Giê-xu là Đấng vô tội, chịu chết vì TỘI LỖI của chúng ta

           Bản chất của TỘI LỖI rất là xấu xa. Chúng ta có thể thấy bản chất xấu xa của TỘI LỖI qua hàng ngàn hình ảnh khác nhau. Nhìn vào vườn Ê-đen chúng ta thấy khu vườn đó đẹp đẽ biết dường nào. Có một lần, vườn Ê-đen đã được mệnh danh là thiên đàng trên đất. Nhưng bây giờ, vườn địa đàng đó đã trống không, trơ trụi, xác xơ, và hoang vắng. TỘI LỖI đã biến nó trở thành như vậy đó!

Chúng ta hãy nhìn tổ phụ A-đam và Ê-va là cặp vợ chồng son, cặp đôi hoàn hảo, hạnh phúc nhất trần gian vì được ở trong vườn địa đàng, cai quản vườn ấy và được làm bạn trò chuyện với Đức Chúa Trời. Nhưng sau đó, ông bà đã bị đuổi ra khỏi vườn, phải làm lụng đổ mồ hôi mới có mà ăn. TỘI LỖI đã khiến ông bà trở thành như vậy đó!

Chúng ta nhìn đến cảnh nước lụt: Có hàng ngàn hàng vạn người đàn ông, đàn bà, con trẻ đã bị nước lụt nhận chìm và chết ngộp. TỘI LỖI đã làm ra thảm trạng đó!

Chúng ta hãy nhìn sang thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, để thấy lửa và lưu huỳnh thiêu rụi cả thành phố và dân chúng trong thành. Do TỘI LỖI đó!

Chúng ta hãy nhìn đến hàng ngàn người lính và xe cộ của Ai-cập đã làm bị nhận chìm dưới lòng biển đỏ. TỘI LỖI đã làm ra đó!

Tại sao có thần chết đến để mang những người thân yêu nhất của chúng ta đi? Do TỘI LỖI đó!

Cái gì đã huỷ hoại hạnh phúc con người? TỘI LỖI đó! Cái gì làm tan nát cuộc sống con người? TỘI LỖI đó! Cái gì làm ra hoả ngục? TỘI LỖI đó! TỘI LỖI đã làm ra, gây ra biết bao điều tệ hại, xấu xa cho vũ trụ và con người.

Cho dù TỘI LỖI đã làm ra bao điều tệ hại và xấu xa đó, nhưng không có điều nào có thể sánh với điều mà TỘI LỖI đã làm cho Chúa Giê-xu. Đây là điều xấu xa nhất, tệ hại nhất mà TỘI LỖI có thể làm được. Đó là TỘI LỖI đã giết chết Con Đức Chúa Trời!

Thật vậy, TỘI LỖI của toàn thể nhân loại đã xô đẩy Con Đức Chúa Trời đến thập tự giá. TỘI LỖI của con người đã đóng đinh tay và chân Ngài. Bởi TỘI LỖI của tất cả chúng ta, mà đầu Chúa Giê-xu phải đội mão gai. Bởi TỘI LỖI của chúng ta, mà hông Ngài phải bị đâm. Bởi TỘI LỖI của loài người, mà Con Đức Chúa Trời phải kêu lên những lời thống thiết, vì bị Đức Chúa Cha từ bỏ: “Đức Chúa Trời tôi ôi! Đức Chúa Trời tôi ôi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” Vậy nên, trong Lễ Thương Khó và tại thập tự giá, chúng ta nhận biết được bản chất xấu xa không thể tả của TỘI LỖI.

II. Lễ thương khó cho thấy cái chết thay thế của Chúa Giê-xu có thể làm thỏa mãn đức CÔNG CHÍNH của Đức Chúa Trời

Có người nói rằng Đức Chúa Trời là Đấng yêu thương và có thể làm được mọi điều. Tại sao Ngài không nói với con người: Ta tha tội cho con là xong rồi. Tại sao phải lập ra kế hoạch cứu chuộc con người, để Chúa Giê-xu phải xuống thế gian và chịu chết. Làm chi mà rắc rối quá vậy?

Đây là câu trả lời: Đức Chúa Trời là Đấng CÔNG CHÍNH. Một thẩm phán CÔNG CHÍNH thì không bao giờ nói: “Ta không kể tội ngươi. Ta không xét xử tội ngươi. Hoặc Ta quên tội ngươi”.

Cũng vậy, Đức Chúa Trời là Đấng CÔNG CHÍNH, nên mọi tội lỗi phải bị xét xử và hình phạt. Hình phạt đó phải đổ trên tội nhân hoặc trên một người nào khác, bằng lòng chịu hình phạt thay. Và Chúa Giê-xu vì yêu chúng ta, đến nỗi Ngài bằng lòng trở thành Đấng gánh lấy mọi hình phạt thay cho chúng ta.

Trước đây, vua Reutus ban hành một số luật lệ và phán rằng nếu ai phạm luật này, thì sẽ bị chém đầu. Điều khiến cho vua đau lòng nhất là con của vua, chính là người đầu tiên phạm luật ấy. Các quan ở trong triều nói: “Tâu bệ hạ, chắc bệ hệ không nở bắt tội chính con ruột mình”. Vua đáp: “Không, nó đã phạm luật quốc gia nó, thì nó phải chết!”

Luật của Đức Chúa Trời phán: “Linh hồn nào phạm tội thì phải chết” (Ê-xê 18:4). Tôi và anh chị em đã phạm tội và chúng ta đáng phải chết, nhưng Chúa Giê-xu gánh hết tội lỗi chúng ta”. Thánh Kinh chép: “Ngài đã vì tội chúng ta mà bị vết”, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt Ngài chịu, chúng ta được bình an, bởi lằn roi Ngài, chúng ta được lành bệnh” (Ê-sai 53).

Chúa Giê-xu không có tội, nhưng bằng lòng trở thành kẻ có tội vì cớ chúng ta và chết thay cho chúng ta. Bởi cớ đó, một tôi tớ Chúa đã nói: “Nếu chúng ta khước từ ơn cứu rỗi lớn lao này, thì làm sao thoát khỏi hình phạt” (Hê-bơ-rơ 2:3). Nếu chúng ta không tiếp nhận Chúa Giê-xu và nếu không có ai mang lấy tội lỗi chúng ta, thì sự CÔNG CHÍNH của Đức Chúa Trời sẽ thực hiện, và cơn thịnh nộ Ngài sẽ giáng trên chúng ta.

III. Lễ thương khó cho thấy cái chết thay thế của Chúa Giê-xu có thể làm thỏa mãn TÌNH YÊU của Đức Chúa Trời

Cả thế giới đang diễn đạt TÌNH YÊU vô biên của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta có thể đọc được các ngôi sao trên bầu trời cách đúng đắn, thì sẽ thấy các ngôi sao đang diễn giải TÌNH YÊU của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta có thể giải nghĩa ngôn ngữ của cuồng phong, thì sẽ thấy nó đang giảng giải TÌNH YÊU của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta có thể gom góp các loài hoa trên thế giới lại với nhau, thì cũng sẽ thấy nó đang diễn giải TÌNH YÊU của Đức Chúa Trời. Cả thế giới đang nói về TÌNH YÊU vô biên của Đức Chúa Trời.

Nhưng nếu chúng ta muốn biết CHIỀU SÂU của TÌNH YÊU Đức Chúa Trời, thì chúng ta phải “nhìn xem Chúa Giê-xu” trong Lễ Thương Khó. Tất cả chiều sâu, chiều cao, chiều rộng của TÌNH YÊU vô biên Đức Chúa Trời đã và đang được diễn giải nơi con người Chúa Giê-xu.

Trước đây tại Mỹ trong thời kỳ chiến tranh, các thanh niên được kêu gọi đi thi hành bổn phận công dân. Trong gia đình nọ, có một goá phụ với đứa con trai duy nhất. Người con đến thưa với mẹ, là muốn ghi tên làm nghĩa vụ quân sự. Bà mẹ nói: “Được lắm con. Đó là điều đúng đắn và chỉ có điều đó là việc đáng làm”.

Đến ngày lên đường, bà mẹ rán nở nụ cười để đưa tiển con vì không biết con mình còn có thể trở về hay không. Sau đó, bà vào nhà đóng cửa lại và khóc một mình. Bà đã cho đi điều tốt nhất của mình. Bà đã cho đi TÌNH YÊU vĩ đại của một người mẹ đối với đứa con duy nhất của mình.

Tuy nhiên, TÌNH YÊU đó cũng không thể ví sánh với TÌNH YÊU vô biên Đức Chúa Trời. Thiên Chúa đã không tiếc chính con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó con ấy để chịu chết thay cho chúng ta. Ngài làm điều đó, vì Ngài YÊU THƯƠNG chúng ta.

Lúc còn nhỏ, tôi thường lượm những vỏ sò kẹp vào lỗ tai. Khi làm điều đó, tôi có thể nghe tiếng vi vu xào xạc của gió biển tận ngoài xa. Phước hạnh của Đức Chúa Trời lúc nào cũng ở quanh chúng ta, và khi nghĩ đến chúng, thì chúng ta cũng có thể nghe tiếng vi vu xào xạc của TÌNH YÊU Đức Chúa Trời. Đặc biệt, tối nay, khi chúng ta đến dự Lễ Thương Khó và nhìn xem Chúa Giê-xu, thì chúng ta sẽ càng thấy sự vĩ đại của TÌNH YÊU đó.

IV. Lễ thương khó cho thấy cái chết thay thế của Chúa Giê-xu đang thúc đẩy chúng ta ĐẶT NIỀM TIN nơi Ngài

Khi chúng ta xem một vở kịch và nhìn những khán thính giả, thì sẽ thấy họ biểu lộ những xúc động như buồn, vui, chán. . . v.v.  Nhưng những điều xảy ra tại thập tự giá không phải là một vở kịch mà là một thảm kịch. Và chúng ta có những xúc động gì khi “nhìn xem Chúa Giê-xu?”

Trước hết, nhìn xem Chúa Giê-xu trong lễ thương khó, khiến chúng ta đau buồn. Chúng ta tìm kiếm sự vui vẻ, hạnh phước. Nhưng khi nhìn xem Chúa Giê-xu, thì chúng ta đau buồn về tội lỗi của mình. Nếu chúng ta không bao giờ biết sự buồn phiền thuộc linh, thì không bao giờ biết sự vui mừng thuộc linh. Nếu chúng ta không bao giờ đổ nước mắt để ăn năn tội lỗi, thì sẽ không bao giờ có được niềm vui của thiên đàng.

Có thể tôi và anh chị em đã đổ nước mắt vì tội lỗi mình trước đây. Nhưng bây giờ chúng ta phạm tội và không cảm thấy buồn phiền về tội lỗi mình. Vì vậy, chúng ta cần xét lòng, cần xưng ra những lỗi lầm và đến khóc lóc dưới chân thập tự giá.

Có phải Chúa Giê-xu đã chết cho anh chị và tôi không? Đúng vậy! Có phải chúng ta đã giết Ngài không? Đúng vậy! Nếu chúng ta ngẫu nhiên giết chết một người bạn thân nhất của mình, thì chúng ta sẽ buồn phiền, hối tiếc suốt cuộc sống. Nhưng ở đây chúng ta lại giết Con Đức Chúa Trời, thì sự chết của Ngài há không làm chúng ta đau buồn hối tiếc gấp ngàn lần sao? Có thể nào chúng ta đi dự Lễ Thương Khó, mà không nhỏ lệ sao? Có khi nào chúng ta nghe về thập tự giá, mà không có chút buồn phiền sao? Có thể nào chúng ta nghe đến danh của Đấng chịu đóng đinh, mà không chút thương tiếc sao?

Kế đến, chúng ta hãy nhìn xem Chúa Giê-xu và hãy để quang cảnh ấy mang lại cho chúng ta niềm vui lớn nhất. Nhiều năm trước, cô Alice đã mở một lớp học mùa hè để dạy cho các trẻ em nghèo tại Boston, Hoa Kỳ. Các bà mẹ trong xóm nghèo, (khu nhà ổ chuột) đã thi nhau mang con đến lớp học. Một ngày kia, cô Alice đã hỏi các bà mẹ câu hỏi này: “Theo ý kiến các bà, thì tôi sẽ dạy cho con cái các bà điều gì đây?”

Hầu hết mọi người đều trả lời: “Hãy dạy cho chúng nó phương cách để sống vui vẻ, hạnh phúc”. Đây cũng là lòng mong ước, sự tìm kiếm của tất cả mọi người trên đất. Tất cả mọi người đều hỏi rằng: “Chúng tôi sẽ tìm được hạnh phước, vui vẻ ở đâu?” Và đây là câu trả lời: “Hãy đến thập tự giá và “nhìn xem Chúa Giê-xu!”

V. Lễ thương khó cho thấy cái chết thay thế của Chúa Giê-xu đang thúc đẩy chúng ta thưa với Chúa rằng chúng ta YÊU NGÀI

Khi nhìn xem Chúa Giê-xu, chúng ta sẽ nói: “Chúa ôi, con YÊU NGÀI nhiều lắm!” Lâu năm về trước, tại một thành phố ở Anh Quốc có cuộc triển lãm một bức tranh vẽ hình Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên thập tự giá. Đặc biệt một điều là tác giả không vẽ ra nỗi đau đớn của sự tra tấn, với đôi mắt nhắm lại tiêu biểu cho sự chết. Nhưng đã vẽ con mắt hiền từ của Chúa Giê-xu, chiếu ra lòng thương xót vô bờ bến, hướng về những người đang đứng xem tranh. Trong phòng triển lãm đó chỉ được thắp sáng bởi một ngọn đèn mờ mờ đặt ngay dưới bức tranh của Chúa. Mọi người đang nhìm xem Chúa với sự yên lặng hoàn toàn.

Thình lình ngay lúc đó, có một người cảm nhận ý nghĩa của hình ảnh Chúa Giê-xu trên bức tranh, nên không còn nhớ có rất đông người hiện đang đứng cạnh mình. Người này quên hết mọi cảnh vật chung quanh, nhìn thẳng vào mắt Chúa và nói: “Chúa ôi, CON YÊU NGÀI!” Người đứng bên cạnh nghe được những lời này, thì chịu cảm động quá, không dằn lòng được nên cũng thốt lên: “Vâng, thưa Chúa, CON YÊU NGÀI!” Người đứng kế bên cũng không nín lặng được, liền thốt lên tiếp theo: “Chúa ôi, CON YÊU NGÀI!”

Rồi lần lượt có nhiều tiếng nấc: “CON YÊU NGÀI … CON YÊU NGÀI … CON YÊU NGÀI … ” được chuyền đi khắp cả căn phòng, bởi từng môi miệng của những người đứng xem tranh đó. Thưa anh chị em, chúng ta phải YÊU NGÀI giống như thế, mỗi khi nhìn xem Chúa.

Để kết luận, tôi muốn nhắc lại ý nghĩa của Lễ thương khó: (1) Lễ thương khó bày tỏ Chúa Giê-xu là Đấng vô tội, chịu chết vì tội lỗi của chúng ta. (2) Lễ thương khó cho thấy cái chết thay thế của Chúa Giê-xu có thể làm thỏa mãn đức công chính của Đức Chúa Trời. (3) Lễ thương khó có thể làm thỏa mãn đức yêu thương của Đức Chúa Trời. (4) Lễ thương khó cho thấy cái chết thay thế của Chúa Giê-xu đang thúc đẩy chúng ta đặt niềm tin nơi Ngài. Và (5) Lễ thương khó đang thúc đẩy chúng ta thưa với Chúa rằng chúng ta yêu Ngài. Thưa Chúa, cám ơn Chúa đã yêu thương con và CHẾT THAY cho tội lỗi con. Con YÊU NGÀI và muốn TIẾP NHẬN NGÀI hôm nay. Amen.

Giám mục Tô Văn Út

Thương Khó 2024

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *