CHỖ ĐỨNG NGƯỜI NỮ TRONG HỘI THÁNH

Chỗ Đứng Người Nữ Trong Hội Thánh

Lời người viết: Mục đích của bài viết dưới đây và các bài kế tiếp những lần tới không phải để đề cao người nữ hoặc hô hào mọi người đòi nữ quyền, nhưng chỉ để khích lệ nhiều chị em hay tủi phận vì sanh ra làm người nữ.

Mục sư Tô Võ Thị Hiền

Một trong những vấn đề đang được tranh luận nhiều nhất giữa vòng người Cơ Đốc hiện nay là chỗ đứng của người nữ trong Hội Thánh. Có vô số sách vở cũng như bài viết đề cập đến vấn đề này với nhiều lời giải thích khác nhau. Trong tất cả quan điểm ấy, ta có thể tóm lại thành ba khuynh hướng chính yếu đã bình giải về chỗ đứng người nữ trong Hội Thánh.

  1. Quan điểm của những người không thuộc tin lành thuần túy
  2. Quan điểm của nhóm tin lành thuần túy ủng hộ phụ nữ
  3. Quan điểm của nhóm tin lành thuần túy có khuynh hướng thủ cựu

I. Quan điểm về chỗ đứng người nữ trong Hội Thánh của những người không thuộc Tin lành thuần túy

Những người theo quan điểm này không hoàn toàn chấp nhận về sự không sai lầm của Thánh Kinh (the inerrancy of scriputure). Theo họ, Lời Thánh Kinh là kỳ thị giới tính nên phải xét lại những phân đoạn Thánh Kinh luận giải về chỗ đứng của người nữ qua tư tưởng văn hóa Do Thái và trong Hội Thánh đầu tiên.

Những người không thuộc tin lành thuần túy ủng hộ thần học giải phóng. Họ cho rằng vương quốc của Đức Chúa Trời có liên hệ đến sự giải phóng. Công việc của Hội Thánh là giải phóng người nữ khỏi sự áp bức của thời xa xưa.

II. Quan điểm về chỗ đứng người nữ trong Hội Thánh của những người tin lành thuần túy ủng hộ phụ nữ

Những người tin lành thuần túy có thể chia làm hai nhóm: nhóm tin lành thuần túy ủng hộ phụ nữ (evangelical feminists), và nhóm tin lành thuần túy có khuynh hướng thủ cựu (evangelical traditionalists).

Cả hai nhóm người tin lành trên đều tin Thánh Kinh không thể sai lầm. Tuy nhiên, những người tin lành ủng hộ phụ nữ cho rằng nhóm thủ cựu đã giới hạn chỗ đứng của người nữ trong Hội Thánh. Họ kêu gọi nhóm thủ cựu nên bình giải lại các phân đoạn Thánh Kinh đề cập đến chỗ đứng của người nữ trong Hội Thánh. Họ tin rằng các vị thủ cựu trước đây khi giải luận về vai trò phụ nữ đã để cho các yếu tố chính trị, kinh tế, thương mại, truyền thống, văn hóa, tư tưởng, tôn giáo, và vô số thành kiến khác ảnh hưởng đến trong việc giải kinh.

Thật ra cả hai nhóm tin lành trên đã đồng ý với nhau về rất nhiều vấn đề liên quan đến chỗ đứng của người nữ trong gia đình, xã hội, và Hội Thánh. Cả hai nhóm đều đồng ý người nữ được dựng nên theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Hai nhóm đều tán đồng về những đóng góp quan trọng của người nữ trong lịch sử Hội Thánh và thế giới ngày nay.

Họ không có thắc mắc về việc người nữ truyền bá Phúc âm (Giăng 4:39-42), người nữ cầu nguyện (Công-vụ các sứ-đồ 1:14), người nữ làm việc từ thiện (Công-vụ các sứ-đồ 9:36-43), người nữ đứng ra tổ chức lễ thờ phượng trong nhà (Công-vụ các sứ-đồ 12:12; 16:40; I Cô-rinh-tô 1:11; 16:19; Cô-lô-se 4:15), người nữ nói tiên tri (Công-vụ các sứ-đồ 21:8-9), người nữ là bạn cùng làm việc với Phao-lô (Rô-ma 16:3-5; Phi-líp 4:2-4), người nữ dày công phục vụ Chúa (Rô-ma 16:2,12), người nữ sử dụng ân tứ thuộc linh để gây dựng Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 12:7), người nữ dùng “ca vịnh, thơ thánh, bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hát mừng ngợi khen Chúa” (Ê-phê-sộ:19).

Hai nhóm tin lành thuần túy đã đồng ý với nhau rất nhiều vấn đề liên quan đến chỗ đứng người nữ trong Hội Thánh, tuy nhiên cũng còn những phân đoạn Thánh Kinh dưới đây mà cả hai chưa có thể tán đồng:

(1) Rô-ma 16:7, “Hãy chào An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a (Junia), tức là bà con và bạn đồng tù với tôi, là hai người có danh vọng trong các sứ đồ và thuộc về Đấng Christ trước tôi vậy.”

Junia (Giu-ni-a) này là ai? Người nam hay người nữ? Thế giới sử cho biết Junia là tên rất thông dụng của phụ nữ La-tinh, cũng như Junius là tên rất thông dụng của người đàn ông La-tinh. Nhóm tin lành ủng hộ người nữ, đã căn cứ vào câu Thánh Kinh này quả quyết rằng, ngay trong Hội Thánh đầu tiên đã có nữ sứ đồ. Giu-ni-a chẳng những là bạn đồng tù với Phao-lô, mà còn là người “có danh vọng trong các sứ đồ– outstanding among the apostles” (NIV).

Nhóm tin lành thủ cựu không đồng ý với quan điểm trên. Lần tới ta sẽ xét qua lời bình giải của họ.

(2) I Cô-rinh-tô 11:3-5, “Dầu vậy, tôi muốn anh em biết Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn ông là đầu người đàn bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ. Phàm những người đàn ông cầu nguyện hoặc giảng đạo mà trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình. Nhưng phàm người đàn bà cầu nguyện hoặc giảng đạo mà không trùm đầu lại, thì làm nhục đầu mình: thật chẳng khác gì đã cạo đầu vậy.”

Nhóm tin lành ủng hộ người nữ cho rằng phân đoạn Thánh Kinh trên phải được luận giải theo bối cảnh văn hóa thời đó. Ngoài ra theo họ, chữ “đầu” (kephale) có nghĩa là “khởi nguyên,” “căn nguyên,” hoặc “nguồn gốc” chớ không có ý nghĩa phân biệt thứ bậc như nhóm thủ cựu đã gán cho.

(3) I Cô-rinh-tô 14:33-35, “Đức Chúa Trời chẳng phải là Chúa sự loạn lạc, bèn là Chúa sự hòa bình. Hãy làm như trong cả Hội Thánh của các thánh đồ, đàn bà phải nín lặng trong đám hội của anh em, họ không có phép nói tại nơi đó, nhưng phải phục tùng cũng như luật pháp dạy. Nhược bằng họ muốn học khôn điều gì, thì mỗi người trong đám họ phải hỏi chồng mình ở nhà; bởi vì đàn bà nói lên trong Hội Thánh là không hiệp lẽ.”

Nhóm tin lành ủng hộ người nữ muốn đặt lại vấn đề, trước khi luận giải phân đoạn Thánh Kinh này. Từ ngữ “nhưng trong cả Hội Thánh của các thánh đồ” là chỉ thuộc về câu 33 hay bao gồm cả câu 34? Những chữ “không được phép nói” là chỉ về không được phép nói tiếng lạ, không được phép nói tiên tri, hay không phép được cầu nguyện?

(4) Ga-la-ti 3:28, “Tại đây không còn chia ra người Giu-đa hoặc người Gờ-réc; không còn người tôi mọi hoặc người tự chủ; không còn đàn ông hoặc đàn bà; vì trong Đức Chúa Giê-xu Christ, anh em thảy đều làm một.”

Theo nhóm tin lành ủng hộ người nữ, câu Thánh Kinh trên chẳng những nói lên sự bình đẳng của người nam và nữ trong sự cứu rỗi, mà bày tỏ sự bình đẳng về vai trò của người đàn ông và đàn bà trong Hội Thánh.

(5) I Ti-mô-thê 2:11-15, “Ta không cho phép đàn bà dạy dỗ, cũng không được cầm quyền trên đàn ông; nhưng phải ở yên lặng. Vì A-đam được dựng nên trước nhất, rồi mới tới Ê-va. Lại không phải A-đam bị dỗ dành, bèn là người đàn bà bị dỗ dành mà sa vào tội lỗi. Dầu vậy, nếu đàn bà lấy đức hạnh mà bền đỗ trong đức tin, trong sự yêu thương, và trong sự nên thánh, thì sẽ nhơn đẻ con mà được cứu rỗi.”

 Nhóm tin lành ủng hộ người nữ cho thấy rằng phân đoạn này bày tỏ một trường hợp đặc biệt tại Hội Thánh Ê-phê-sô. Công-vụ các sứ-đồ 19 cho biết dân thành Ê-phê-sô rất sùng kính nữ thần Đi-anh. Trong một cuộc biểu tình trước đây nhằm chống lại công cuộc truyền bá Phúc âm của Phao-lô, họ đã từng hô lớn nhiều lần khẩu hiệu: “Hoan hô Nữ thần Đi-anh vĩ đại của người Ê-phê-sô.”

Ê-phê-sô là trung tâm thờ phượng nữ thần, cho nên tại đây, ngoài những nam giáo sư thì cũng có rất nhiều nữ giáo sư tôn giáo nổi tiếng. Các nam nữ giáo sư này truyền dạy “một đạo giáo khác” pha lẫn giáo lý của Cơ Đốc giáo và Do Thái giáo (I Ti-mô-thê 1:3). Họ cũng xuyên tạc câu chuyện sáng tạo trong sách Sáng-thế ký bằng những “phù ngôn và gia phổ vô cùng,” theo đó Ê-va là một nữ anh hùng (I Ti-mô-thê1:4). Nhìn thấy sự hiện diện của các nữ giáo sư giả cũng như sự hiện diện của những nữ tín hữu, các người thiếu hiểu biết đã vội kết luận rằng Cơ Đốc giáo là một chi nhánh của tôn giáo người Ê-phê-sô. Vì thế, để tránh ảnh hưởng xấu của các nữ giáo sư giả, Phao-lô không cho phép đàn bà dạy dỗ, cũng không được cầm quyền trên đàn ông. Đây là một mạng lịnh đặc biệt trong một trường hợp đặc biêt.

Chúng ta đã tìm hiểu qua hai khuynh hướng chính yếu đã bình giải về chỗ đứng người nữ trong Hội Thánh: quan điểm của những người không thuộc tin lành thuần túy, và quan điểm của nhóm tin lành thuần túy ủng hộ phụ nữ.

Những người không thuộc tin lành thuần túy chỉ chấp nhận Thánh Kinh là một quyển sách tôn giáo mà không hoàn toàn tin tưởng về sự không sai lầm của Thánh Kinh. Bởi vì nhóm người này không hoàn toàn tin nơi Thánh Kinh nên chúng ta không chấp nhận quan điểm của họ.

Nhóm tin lành thuần túy ủng hộ phụ nữ tin rằng: “Trong những ngày sau rốt Ta sẽ đổ Thần Ta khắp trên mọi loài xác thịt; con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri” (Công-vụ các sứ-đồ 2:17). Các vị ấy căn cứ vào Rô-ma 16:1,7 cho thấy người nữ đã từng giữ chức vụ sứ đồ và chấp sự trong Hội Thánh đầu tiên. I Cô-rinh-tô 11:3-5 không phải dạy về sự phân biệt thứ bậc giữa nam nữ. I Cô-rinh-tô 14:34-35 và I Ti-mô-thê 2:11-15 là một mạng lịnh đặc biệt dành cho phụ nữ trong một trường hợp đặc biệt. Ga-la-ti 3:28 chẳng những bày tỏ sự bình đẳng của người nam và nữ trong sự cứu rỗi, mà còn nói lên sự bình đẳng về vai trò của người đàn ông và đàn bà trong Hội Thánh.

Lần tới chúng ta sẽ xét qua quan điểm về chỗ đứng người nữ trong Hội Thánh của những người tin lành thuần túy có khuynh hướng thủ cựu.

                                                                                    Mục sư Tô Võ Thị Hiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *