LẬP NHÓM MÔN ĐỒ HÓA GIA ĐÌNH

LẬP NHÓM MÔN ĐỒ HÓA GIA ĐÌNH

Giám mục Tô Văn Út

 Trong lịch sử hội thánh, phong trào bầy nhỏ có lẽ là điều tốt nhất đã xảy ra, kể từ thời Cải chánh. Đức Chúa Trời đang thực hiện điều lạ lùng và mới mẻ cho hội thánh Ngài. Trong hàng ngàn bầy nhỏ khắp thế giới, con dân Chúa gặp gỡ Đức Chúa Trời và gặp gỡ nhau trong những cách thức mới. Nhiều người ham thích đọc Thánh Kinh. Những người khổ đau tìm được sự yên ủi và ủng hộ. Những người Cơ Đốc tăng trưởng tìm được cơ hội mới để phục vụ. Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào hội thánh và nhóm nhỏ.

Mỗi phong trào canh tân trong lịch sử hội thánh đều bắt nguồn trong các bầy nhỏ. Hội thánh đầu tiên đã khởi đầu trong nhà con dân Chúa. Các phong trào Anabaptist, Giám lý, và Ngũ tuần cũng được bắt đầu trong nhà các tín hữu. Cơ Đốc giáo lan rộng đến Phi Châu, Nam Mỹ, và Á Châu hầu hết cũng bắt nguồn từ các nhóm nhỏ tư gia. Ngày nay, những bầy nhỏ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các hội thánh tại Âu Mỹ.

Tôi tin rằng Đức Chúa Trời đang kêu gọi những mục sư và dùng họ để trang bị một thế hệ mới, bao gồm các trưởng điểm nhóm để trông coi các bầy nhỏ. Nếu những trưởng nhóm được trang bị tốt và được đầy dẫy Đức Thánh Linh, thì không gì có thể giới hạn những việc lạ lùng, mà Đức Chúa Trời muốn thực hiện cho con dân Ngài.

Các cơ sở vật chất không thể giới hạn chúng ta, bởi vì những nhà riêng và phòng họp đều trở thành nơi, để thực hiện các mục vụ hội thánh. Hàng giáo phẩm và tín hữu lãnh đạo không thể giới hạn chúng ta, bởi vì các trưởng nhóm sẽ thực thi những công việc của họ. Tài chánh cũng không thể giới hạn chúng ta, bởi vì chúng ta không phải chi ra nhiều tiền cho các bầy nhỏ.

Đức Chúa Trời đang mở những cánh cửa mới cho các hội thánh ngày nay như Ngài đã mở chúng cho Môi-se trong đồng vắng, hoặc cho các sứ đồ trong hội thánh tiên khởi. Mục sư một mình không thể đáp ứng mọi nhu cầu và làm hết mọi mục vụ của hội thánh địa phương. Môi-se đã cố làm hết mọi việc, nên ông gia đã nhắc nhở: “Con làm như vậy không tiện” (Xuất Hành 18:17).

Môi-se đã tự mình mang lấy quá nhiều việc. Điều này không tốt cho ông và không tốt cho dân chúng. Họ phải sắp hàng dài đứng chờ đến phiên mình gặp Môi-se, để xin đáp ứng nhu cầu mình. Môi-se không nhờ người khác, chia bớt công việc lãnh đạo. Vì thế, những nhà lãnh đạo tiềm năng không có cơ hội sử dụng và phát triển các ân tứ Chúa ban.

Sau đó, theo lời khuyên của Giê-trô, Môi-se bảo hội chúng chọn các trưởng nhóm, để cùng làm việc với ông. Họ chọn những trưởng nhóm, rồi tổ chức thành nhóm nhỏ 10 người, để dễ dàng đáp ứng nhu cầu từng người trong bầy nhỏ. Môi-se vẫn giữ vai trò lãnh đạo tổng thể, nhưng bây giờ ông thực thi mục vụ cùng với đội ngũ trưởng nhóm.

I. Nhóm Môn Đồ Hóa Là Gì? (Hội Thánh Là Gì?)

Nếu cất hết những yếu tố không phải điều căn bản của hội thánh, chỉ để lại những điều thật căn bản, thì hội thánh chỉ còn là Chúa Giê-xu và ít nhất là hai hoặc ba người họp nhóm trong danh Ngài. Đây là mức cơ bản nhất của hội thánh.

Không quan trọng việc nhóm lại ở đâu và khi nào. Nhưng lúc nhóm nhỏ môn đồ Chúa nhóm lại để tôn thờ Ngài, thì đó là hội thánh, cũng như sự nhóm lại của số đông người. Chúng ta ngợi khen Chúa vì nhóm lớn, nhưng đừng đánh mất cái nhìn về hội thánh nhóm nhỏ cơ bản. Nếu làm như vậy chúng ta sẽ rơi vào hình thức, lễ nghi, và tôn giáo.

Hội thánh tiên khởi không có nhà thờ. Giáo đường hay cơ sở nhóm lại chỉ xuất hiện sau năm 232 SC. Hội thánh tăng trưởng bùng nổ nhất là vào những thời kỳ đầu tiên, khi hội thánh chưa có cơ sở vật chất.

Tại Trung Hoa, Đức Thánh Linh đang hành động nên hội thánh tăng trưởng rất mạnh mẽ, hơn cả sự tăng trưởng của hội thánh đầu tiên. Mỗi ngày có hơn 22.000 người đến với Chúa. Sự tăng trưởng vẫn tiếp diễn, khi hội thánh tại đó không có cơ sở vật chất. Sự phấn hưng nầy gọi là phong trào hội thánh tư gia.[1]

Nguyên tắc đơn giản là: “Chúng ta giữ việc mở mang hội thánh càng đơn giản, thì chúng ta càng dễ dàng thấy sự tăng trưởng”.[2]

Đạo Chúa vốn đơn giản, nhưng thần học con người làm cho phức tạp. Thời hội thánh đầu tiên, các sứ đồ đã đơn giản hóa việc mở mang hội thánh và đạt được hiệu quả rất cao. Tại sao? Bởi vì “mọi người đầy dẫy Thánh linh, bước đi theo Thánh linh”.

Ngày nay, chúng ta đã có mô hình mẫu quá dễ hiểu, dễ làm, hiệu quả lại cao, thì chúng ta không làm. Ngược lại, chúng ta đi tìm những phương thức rắc rối, khó khăn, phức tạp, hiệu quả không cao, và nhiều tốn kém. Đúng là con người muốn làm chuyện khác đời, thích xa rời nhà Cha, lấy bụng mình làm chúa mình và muốn theo gót tổ phụ “các quan xét”.

II. Lý Do Cần Thành Lập Nhóm Môn Đồ (Hội Thánh) Mới Tại Nhà

Chúng ta nên mở mang nhóm môn đồ (hội thánh tư gia) vì những lý do sau:

  1. Mục tiêu chúng ta không chỉ mở mang hội thánh, nhưng chúng ta muốn thúc đẩy một phong trào mở mang hội thánh mới. Và chúng ta tin rằng có thể dễ dàng thực hiện, bằng cách thực hiện mô hình đơn sơ và hiệu quả, của hội thánh đầu tiên.
  2. Tín hữu thấy cần có nhu cầu thờ phượng trong một mối thông công thân mật hơn tại nhà, như hội thánh đầu tiên đã làm (Công-vụ 5:42; 20:20; Rô-ma 16:5).
  3. Không có sẵn giáo đường để tín hữu nhóm lại.
  4. Vị trí xây dựng và việc xây dựng nhà thờ quá đắt tiền.
  5. Chúng ta tin mô hình hội thánh tư gia là phương cách tốt nhất để huấn luyện mục sư và lãnh đạo.
  6. Sự đơn sơ của bầy nhỏ, giúp chúng ta dễ dàng mở mang thêm những bầy nhỏ khác.
  7. Các hội thánh hiện có không đem Tin lành đến được với người dân trong cộng đồng.
  8. Đức Chúa Trời đang kêu gọi con dân Ngài phá vỡ chủ nghĩa truyền thống và chủ nghĩa cầu toàn, để trở về với sự đơn sơ ban đầu.
  9. Hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều tin rằng mô hình hội thánh tư gia là cách tốt nhất để thực hiện phong trào mở mang hội thánh mới.[3]

III. Phương Cách Thành Lập Nhóm Môn Đồ (Hội Thánh) Mới Tại Nhà

Làm thế nào để thành lập hội thánh mới tại nhà? Ta có thể áp dụng một phương cách phát triển bầy nhỏ tại gia đình qua các giai đoạn:

  1. Cầu nguyện và tìm xem Chúa đang hành động nơi gia đình nào trong vòng bà con, bạn hữu, láng giềng… để mời họ đến nhà mình ăn chiều và khám phá Kinh Thánh hoặc xem phim Kinh Thánh.
  2. Dấu hiệu để chúng ta nhận biết Chúa đang hành động trong gia đình đó là họ đang có thắc mắc về các vấn đề thuộc linh hoặc có vấn nạn trong gia đình, sở làm: (a) gia đình tôi đang gặp khó khăn về tài chánh; (b) gia đình tôi đang gặp chuyện rắc rối với đứa con trong tuổi vị thành niên; (c) gia đình gia đình nhập cư (di dân); (d) gia đình các cặp hôn nhân khác đạo; (e) các “gia đình” li thân, li dị, tái hôn…
  3. Tự huấn luyện lãnh đạo để chuẩn bị sản sinh bầy nhỏ mới, trong gia đình mới (Nhà lãnh đạo phải phát triển các nhà lãnh đạo khác).
  4. Chia tay để tiếp tục nhân rộng bầy nhỏ mới, trong những gia đình khác.

Do ảnh hưởng rất nhiều từ Khổng giáo và xã hội, gia đình Việt Nam đã có một tổ chức rất cao. Người dân Việt có những đức tính, phong tục rất đáng khâm phục, nó đã giúp rất nhiều vào công việc truyền giáo.[4]

Hy vọng bộ mặt gia đình Việt Nam sẽ được Tin lành hóa, sẽ sáng ngời không chỉ bởi vì những giá trị cao đẹp của truyền thống, nhưng sáng lên ánh sáng của Tin lành đích thực, một Tin lành sống động đem lại ơn cứu rỗi cho muôn người.[5]

IV. Cách Bắt Đầu Một Nhóm Môn Đồ (Hội Thánh) Mới Tại Nhà

Mục đích của bầy nhỏ là khám phá Kinh Thánh, thông công, chữa lành, và truyền giáo. Chúng ta có thể bắt đầu một hội thánh mới tại nhà qua bảy bước như sau:

  1. Tìm kiếm nhà (người) của sự bình an (Người người môn đồ hóa, nhà nhà môn đồ hóa)

Đức Chúa Trời muốn chúng ta hướng trọng tâm đến “người nhà”, tức là bà con, bạn hữu, đồng nghiệp. . . trong những kế hoạch giao tiếp với con người. Chúa bảo các môn đệ tìm kiếm nhà (người) của sự bình an (Lu-ca 9:6), tức là gia đình đang đói khát tâm linh (Giăng 6:44), như gia đình đội trưởng Cọt Nây (Công-vụ 10), gia đình bà Ly-đi, gia đình người giám ngục…

Phao-lô cũng áp dụng chiến lược này. Khi đến thị trấn, ” … ông gặp một người Do Thái tên A-qui-la, sinh quán ở Bông-tu, mới cùng vợ là Bê-rít-sin ở Y-ta-lia đến…” (Công-vụ 18.2).

Phao-lô đã đến gặp họ, và “ở lại làm việc với họ, vì ông sinh sống nhờ nghề may lều cũng như cặp vợ chồng này”. (v.3)

Đây là một ví dụ về xây dựng mối quan hệ. Họ có một cái gì đó chung với nhau – làm nghề may trại, và đó là cơ sở mối liên hệ của họ. Họ là người địa phương, mặc dù họ là những người di chuyển đến từ một thành phố khác.

Tại thời điểm này trong câu chuyện, chúng ta không biết A-qui-la và/hoặc Bê-rít-sin là những tín hữu hay chưa. Chúng ta biết rằng sau đó họ là tín hữu, bởi vì vai trò của họ trong việc huấn luyện A-bô-lô khi họ gặp ông lần đầu tiên ở Ê-phê-sô.

Chúng ta ngày nay cũng làm giống như họ, vâng lời Chúa đi ra thực hiện Đại mạng lệnh: nhà nhà môn đồ hóa, người người môn đồ hóa. Nói cách khác chúng ta vâng lời Chúa đi ra tìm kiếm nhà (người) của sự bình an.

  1. Bắt đầu lớp khám phá Kinh Thánh vào tối thứ sáu

Chúng ta không mời các gia đình đến lớp học Kinh Thánh, nhưng mời họ cùng với chúng ta khám phá Kinh Thánh để biết Đức Chúa Trời là ai, cách nào Ngài muốn nói chuyện với chúng ta, và đáp ứng nhu cầu cho chúng ta. Kinh Thánh có câu trả lời cho mọi nan đề của đời sống. Khi sinh hoạt nhóm, chúng ta khích lệ mọi người phải vâng theo những gì đã khám phá được trong Kinh Thánh. (Có thể họp nhóm tại nhà người chưa tin Chúa, nếu họ mở cửa).

  1. Tổ chức bữa cơm gia đình vào mỗi thứ sáu lúc 17g30 trước giờ sinh hoạt nhóm

Tổ chức bữa cơm gia đình để truyền giáo là điều tuyệt vời. Hầu hết các gia đình Việt Nam đều có truyền thống tốt đẹp là cùng ăn cơm chung. Trong mỗi bữa cơm gia đình, mọi người ngồi quây quần quanh một mâm cơm, từ ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt cùng ăn cơm với nhau. Thói quen tốt lành này đã có từ lâu trong các gia đình Việt Nam. Tính cộng đồng gia đình, họ hàng, xóm làng của văn hoá ẩm thực Việt Nam được thể hiện qua mâm cơm tròn đặt giữa chiếu chữ nhật, bát tương, bát nước mắm, đĩa muối tiêu, chanh, ớt, chấm chung.

Trong mỗi gia đình, bữa cơm là lúc cả nhà có mặt ngồi quây quần quanh mâm cơm, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện, mẹ hỏi con, cháu hỏi bà ríu rít; không khí ấm cúng của bữa cơm gia đình góp phần không nhỏ vào việc củng cố sự bền vững của tế bào xã hội. Bữa cơm gia đình quan trọng không ở chỗ nhiều món ăn ngon mà là ở không khí đầm ấm, tuy có khi chỉ là bát canh rau muống luộc, chút dưa tương, không thịt, không cá, những đầy đủ mọi thành viên trong gia đình…

Ăn cơm không phải chỉ lấy cho no, lấy đủ, mà còn là cái “thú”, niềm vui và hạnh phúc của một gia đình. Nó trở thành một nét văn hoá ẩm thực có giá trị cao đẹp của đời sống gia đình Việt Nam.

Một bữa cơm không phải chỉ ở số lượng bao nhiêu món ăn được bày ra, nhiều hay ít ở mỗi thứ mà cái quan trọng là ở chỗ hội ngộ của các thành viên trong gia đinh. Mọi người ôn lại chuyện ngày xưa, hay một sự kiện đáng nhớ, qua đó nối kết các thành viên trong gia đình với nhau, với chuyện của hôm nay, nhất là chuyển tải cho nhau các thông tin trong gia đình, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cho nhau… Bữa cơm đó được gọi là ngon, chính là ở giá trị bầu khí của tinh thần đoàn tụ.[6]

Tổ chức bữa cơm gia đình để truyền giáo thì mỗi gia đình thay phiên nhau nấu ăn, nên không ai ngại việc ăn uống. Mọi người đều cùng nhau dọn thức ăn ra bàn: một bàn dành cho con cái, một bàn dành cho cha mẹ ông bà, y như bữa ăn của một gia đình đông người ở Việt Nam (đại gia đình). Mọi người ăn uống và bày tỏ sự chăm sóc nhau.

Khi nấu ăn, cả nhà nên nấu nhiều hơn dự tính để mọi người đều ăn no, nhưng nấu món ăn đơn giản. Cốt ý là để mọi người về nhà không cần phải ăn thêm gì nữa, nhưng cũng không cầu kỳ, để tiết kiệm thì giờ nấu nướng. Ăn xong, mọi người đều chia nhau dọn rửa, sau đó bắt đầu buổi nhóm vào lúc 19g00.

     4. Buổi họp nhóm bắt đầu bằng vài bài đoản ca, dễ hiểu, và dễ hát để thân hữu có thể hát được

Các bài đoản ca nói lên Đức Chúa Trời là nguồn cứu giúp thiết thực của đời sống.

    5. Khám phá Kinh Thánh hoặc xem phim Kinh Thánh

Người hướng dẫn chia sẻ lại một ý tưởng trong bài giảng của vị quản nhiệm vào Chúa Nhật rồi, mà ông/bà tin là có ích lợi cho mọi người trong nhóm. Bài chia sẻ nầy dài chừng 10 phút. Hoặc người trưởng nhóm hướng dẫn buổi thảo luận Kinh Thánh theo phương pháp quy nạp với 4 câu hỏi. Sau khi đọc câu chuyện Kinh Thánh hoặc phân đoạn Kinh Thánh, người hướng dẫn hỏi:

– Câu chuyện kể gì (phân đoạn Kinh Thánh này) nói gì?

– Câu chuyện (phân đoạn Kinh Thánh này) nói gì về Chúa?

– Câu chuyện (phân đoạn Kinh Thánh này) nói gì về người theo Chúa?

– Chúng  ta vâng lời Chúa như thế nào?

Gia đình chúng ta có thể sử dụng băng đĩa truyền giáo Alpha, để chiếu lên các bài chia sẻ của mục sư. Sau đó những người trong nhóm sẽ thảo luận ngắn về điều đã thấy và nghe. Hoặc chúng ta có thể sử dụng băng đĩa Khóa hôn, để nghe kể các câu chuyện của những gia đình tìm được hạnh phúc trong Chúa.

  1. Thông công, chia sẻ kinh nghiệm và cầu nguyện

Đây có lẽ là thì giờ đặc biệt nhất của buổi họp nhóm. Trong một bầu không khí cởi mở và tin cậy, mọi người đều chia sẻ những ơn phước, những điều vui buồn trong tuần qua. Những người trong nhóm nói chuyện với nhau về một tuần lễ của mình. Người hướng dẫn có thể hỏi những câu: “Tuần vừa rồi bạn thấy biết ơn về điều gì?” và “Tuần vừa rồi bạn có khó khăn gì không?” Hoặc những người trong nhóm có thể thảo luận các câu hỏi gợi ý trong các bài chia sẻ của chương trình truyền giáo Alpha. Sau đó, mọi người chia sẻ những ơn phước, buồn phiền, nan đề, rắc rối, thậm chí đổ vỡ trong đời sống, để xin cầu nguyện… (Tuyệt đối không được nói các vấn đề đó cho người khác).

Cầu nguyện sẽ không trở thành một tiết mục riêng, nhưng đi liền theo sau mỗi lời chia sẻ. Khi một người chia sẻ xong, thì người trưởng nhóm (hoặc cả nhóm) đứng dậy cầu nguyện, hoặc cảm tạ Đức Chúa Trời, vì những sự tốt lành của Ngài. Người trưởng nhóm (hoặc cả nhóm) có thể cầu nguyện cho những nan đề và nhu cầu để xin Chúa nhậm lời, làm phép lạ, chữa lành, và giải quyết.

  1. Mời gia đình bạn hữu tiếp nhận Chúa sau vài lần sinh hoạt nhóm

Bước đầu tiên của việc truyền giáo là phát triển tình bạn, chứ không phải là nói về Chúa cho bà con hoặc bạn hữu nghe ngay tức khắc. Nếu vừa gặp bà con, bạn hữu đã vội vàng giới thiệu Chúa cho họ, thì e rằng hành động ấy sẽ khiến cánh cửa tâm hồn của bà con hoặc bạn hữu cũng vội vàng khép kín. Như thế, việc truyền giáo vô tình bị chặn đứng bởi chính người truyền giáo. Nói cách khác, một khi cánh cửa tâm hồn của người cần được nghe biết Tin lành bị đóng chặt, thì khó lòng khiến nó mở ra.

Do đó, việc thiết lập và phát triển tình bạn rất quan trọng và là nhịp cầu giúp chúng ta khởi sự việc truyền giáo. Thế nhưng, làm thế nào để phát triển tình bạn, và giai đoạn này cần bao nhiêu thời gian? Thiết lập tình bạn tùy thuộc vào kỹ năng và phong thái riêng của mỗi người. Khi tiếp xúc với một người mới gặp, bầu không khí cởi mở, vui vẻ, thân thiện, chân thành…, là điều cần có để cánh cửa tình bạn rộng mở và cánh tay tình thân siết chặt.

Nếu bà con, bạn hữu đã sẵn sàng thì có thể mời gọi tin Chúa trong tuần đầu, tuy nhiên thường thì nên chờ tuần thứ hai hoặc nhiều tuần sau, để cho tình thân càng thêm siết chặt thì sẽ mời gọi bà con hoặc bạn hữu tiếp nhận Chúa.

 V. Nhân Rộng Nhóm Môn Đồ Mới (Cách Tiếp Tục)

 Khi những người trong nhóm tin Chúa và kinh nghiệm được sự biến đổi, họ thường hỏi: ‘Người thân, bạn hữu tôi cũng cần có kinh nghiệm này, tôi có thể mời họ đến tham gia chứ?’ Chúng ta trả lời: ‘Không, bạn nên bắt đầu một nhóm mới để hướng dẫn họ’. Nếu họ có vẻ ngần ngại, chúng ta khích lệ họ chỉ làm theo những gì mình đã làm. Nó rất đơn giản và họ có thể làm được.

  1. Gia đình tín hữu mới tin Chúa mời một gia đình thân hữu đến nhà dùng cơm và họp nhóm vào tối thứ sáu.

2) Gia đình thân hữu tiếp tục đến nhà dùng cơm và họp nhóm với gia đình tín hữu mới tin Chúa.

3) Gia đình thân hữu có thể tiếp tục đến nhà tín hữu mới tin Chúa dùng cơm và họp nhóm.

4) Sau vài lần họp nhóm thì gia đình thân hữu tin Chúa và được môn đồ hóa trong nhóm môn đồ

5) Họ trở thành người hướng dẫn lại những gì đã học cho các thân hữu khác do chính họ mời đến nhà dùng cơm với gia đình mình.

Ta có thể huấn luyện gia đình tín hữu mới như vầy: Theo các nhà nghiên cứu, sau 30 ngày, người ta sẽ nhớ 10% những gì họ nghe; sẽ nhớ 50% những gì họ thấy; sẽ nhớ 70% những gì họ nói; và sẽ nhớ 90% những gì họ làm. Các học viên thực hiện những gì họ thấy và làm, chớ không phải những gì họ nghe. Vì thế, chúng ta sẽ có chương trình huấn luyện qua 4 bước:

Bước 1: “Tôi làm, bạn nhìn xem”

Bước 2: “Tôi làm, bạn phụ giúp”

Bước 3: “Bạn làm, tôi phụ giúp”

Bước 4: “Bạn làm, tôi nhìn xem”

Sau hai tháng vừa thành lập bầy nhỏ vừa huấn luyện trưởng nhóm, gia đình tín hữu chủ nhà sẽ tiếp tục tìm kiếm một gia đình thân hữu khác đến nhà rồi lập lại từ bước 1-7 để mở mang một nhóm môn đồ mới tiếp theo. Còn gia đình thân hữu đã tin Chúa thì cũng làm công việc giống như chúng ta làm, là tìm kiếm một gia đình bà con, bạn hữu của mình đến nhà, rồi thực hiện từ bước 1-7 để mở mang một nhóm môn đồ mới tại nhà mình.

Một nhà lãnh đạo bầy nhỏ muốn thành công, người phải phát triển người khác trở thành nhà lãnh đạo bầy nhỏ mới. Một người có thể có tất cả các phẩm chất lãnh đạo, nhưng nếu cá nhân người không quan tâm tới việc phát triển những nhà lãnh đạo mới, thì mục vụ của người sẽ không bền vững, và người đó không phải là một nhà lãnh đạo thực sự ‒ hoặc ít nhất không thể là nhà lãnh đạo thành công.

Nếu bạn nhìn vào lịch sử và xem xét lại mọi mặt của đời sống, bạn sẽ thấy nhận định trên là đúng. Các hội thánh và các phong trào mở mang hội thánh trong dài hạn, không phải là nhờ văn hóa, năng lực, hay mức độ sử dụng công cụ quản lý hiện đại, mà bởi họ không ngừng tạo ra những con người có khả năng lãnh đạo ở mọi cấp độ. Chúa Giê-xu, Phao-lô, Martin Luther, John Wesley đều hiểu vấn đề này. Tất cả họ đều có ý tưởng, giá trị, nhiệt huyết và nghị lực mạnh mẽ, nhưng nếu thiếu các môn đồ để truyền thụ sứ mệnh, thì cả khi còn sống hay lúc đã mất, mọi di sản của họ cũng sẽ chỉ có thể tồn tại trong ngắn hạn.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa những người lãnh đạo thành công và những người lãnh đạo thất bại, dù đó là bầy nhỏ hay hội thánh lớn, là ở chỗ người thành công hiểu rằng học hỏi, đào tạo, và lãnh đạo là những hoạt động song song không thể tách rời. Đào tạo không phải là một hoạt động phụ trợ, tùy hứng có thể phó mặc cho Viện Thần học, hoặc tệ hơn nữa là cho các nhà tư vấn độc lập. Đào tạo là hoạt động trọng tâm của các hội thánh thành công.

Triết lý của các hội thánh thành công là: “Trên tất cả, bạn sẽ đặt cược vào con người, chứ không phải vào chiến lược”.

Tóm lại, nếu chúng ta thực hiện 7 bước để thành lập nhóm môn đồ mới tại nhà, chúng ta sẽ thấy sự tăng trưởng bùng nổ của hội thánh mới. Ở đây chúng ta áp dụng mô hình con thỏ là mô hình mới, chớ không phải mô hình con voi là mô hình truyền thống.

Nếu chúng ta đặt hai con voi trong một căn phòng và đóng cửa lại trong 22 tháng, chúng ta có thể có thêm một voi con. Nhưng, nếu chúng ta đặt hai con thỏ trong một căn phòng và đóng cửa lại trong 22 tháng, chúng ta có thể có đến hàng ngàn thỏ con! Nghĩa là chúng ta có thể có đến hàng ngàn hội thánh mới!

[1] Bob Fitts, Hội thánh tư gia, tr. 2-3.

[2] Sách đã dẫn

[3] Bob Fitts, Hội thánh tư gia, tr. 35-36.

[4] Nguyễn Hồng, Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Sài Gòn 1959, tr. 55.

[5] Quốc Văn, OP, Gia đình Việt Nam, một mãnh đất phì nhiêu cho hạt giống tin mừng, Thời sự Thần học – số 32, tháng 6/2003, tr. 105.

[6] Nguyễn Quang Lê, Văn hóa Ẩm thực trong lễ hội truyền thống Việt Nam, Nxb VHTT, Hà Nội 2003, trang 20.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *